Đồng hành với chiếc máy quay 11 năm, đối với giảng viên, nhà quay phim Nguyễn Quốc Phương, được cầm vào chiếc máy quay, làm phim giống như niềm hạnh phúc cực độ.
Từng theo đuổi ngành quay dựng, theo anh Nguyễn Quốc Phương, đó là giai đoạn ngành học này vẫn còn rất mới mẻ, nhưng với chàng sinh viên sân khấu điện ảnh lúc bấy giờ, đó lại là mảnh đất tươi mới để bản thân tự do sáng tạo và khám phá.
Thầy giáo Nguyễn Quốc Phương (1989) hiện đang là giảng viên khoa Nghệ thuật điện ảnh trường ĐH Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội và Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông ITPlus
Quay phim đến với thầy Phương một cách tình cờ và đầy thú vị: “khi 1 buổi trưa hồi cuối lớp 12, đang trên đường đi học về, tôi chợt suy nghĩ về việc tương lai của mình sau này nếu chỉ học xong, có công việc ổn định, ngày làm 8 tiếng, sáng đi chiều về thì liệu tôi có đang tồn tại không? Và câu trả lời là không. Do vậy khi gia đình tôi gợi ý tới học về làm phim, tôi đã hồ hởi đồng ý ngay. Ban đầu, do được giáo dục theo kiểu GÀ CÔNG NGHIỆP từ nhỏ tới năm lớp 12 như bao các bạn đồng trang lứa khác, tôi kém giao tiếp với xã hội. Có lần cầm máy ảnh đi sáng tác còn bị người ta chửi vì tưởng rằng mình là người đang soi mói việc làm của họ thay vì sáng tác ảnh nghệ thuật. Từ đó, tôi nỗ lực giao tiếp hơn và tìm nhiều cách để đạt được. Có lần còn tự làm xịt lốp xe đạp để tới chỗ người sửa xe bắt chuyện rồi chụp ảnh. Mọi thứ dần trở nên thú vị, cuốn hút và vẫn như thế cho tới nay” Thầy Phương chia sẻ.
Bức ảnh thầy Phương đứng cùng các em nhỏ tại trường tiểu học Pa Cheo- Bát Xát
Là giảng viên khi còn khá trẻ, những ngày đầu đứng lớp, thầy Quốc Phương có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Sinh viên trong lớp khi ấy hầu hết chỉ kém thầy giáo độ vài tuổi. Ở những bài học đầu tiên, sinh viên không mấy tập trung, thường chỉ nhìn vào màn hình máy tính. Bằng nhiều cách khác nhau, thầy giáo trẻ khéo léo thu hút và dẫn dắt học trò vào bài giảng. Theo anh, khi sinh viên quan tâm vào bài giảng thì quá trình truyền tải, giao tiếp, phản hồi… cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Và cậu học sinh lớp 12 ấy đã chọn một hướng đi đúng đắn khi giờ đây, thầy Phương đã có những quả ngọt nổi bật như : Giải thưởng CÁNH DIỀU BẠC năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam, trực tiếp tham gia sản xuất bộ phim dài Truyền hình 45 tập GIAO MÙA chiếu trên VTV1 và chương trình Du lịch cùng VTV VTVTrip chiếu trên VTV1. Không những thế, thầy còn trực tiếp tham gia sản xuất các Video giới thiệu doanh nghiệp, tập đoàn lớn như: Microsoft Việt Nam, INAX LIXIL, tổng công ty Điện lực miền Bắc, THACO.
Chia sẻ với ITPlus, Thầy Phương cho biết: “Mỗi dự án đều tạo thêm những kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi. Nhưng đáng kể nhất chắc là giải thưởng CÁNH DIỀU BẠC năm 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên của tôi được đánh giá trong hội nghề nghiệp và cũng là tác phẩm tốt nghiệp trong hành trình 4 năm học về làm phim. Trong quá trình thực hiện dự án, tôi đã thức liên tục suốt 3 ngày 3 đêm cho tới cú máy cuối cùng sau đó thì ngủ nguyên 1 ngày và không rõ mình trở về Hà Nội như thế nào. Một phần vì áp lực, sự kỳ vọng của tất cả mọi người dành cho mình, một phần vì áp lực của chi phí sản xuất bộ phim. Nhiều lúc đang quay, gặp trời mưa, thời tiết không thuận lợi, bị chậm tiến độ công việc còn nghĩ tủi thân. May kịp thời lúc đó, những đồng nghiệp trong đoàn đã khích lệ, chia sẻ, động viên nên mình càng phải cố gắng, quyết tâm thực hiện hơn”.
Gia đình nhỏ là niềm động viên lớn nhất sau những cú bấm máy dài ngày
Đối với thầy Phương, một khi đã yêu, đã lựa chọn con đường này thì mọi khó khăn đều có thể trở nên không khó nữa và vượt qua được. Khó khăn nhất có lẽ là đối với lớp nào mà chênh lệch độ tuổi, chênh lệch về sự tiếp cận làm phim lớn. Khi đó việc lên lớp phải đáp ứng tương đối đủ nhu cầu của cả lớp với cách giảng dạy, tác phong, ăn mặc phải phù hợp từ người lớn tuổi nhất cho tới các bạn trẻ.
Đối với các anh chị học viên của ITPlus, tôi cảm nhận thấy được sự nghiêm túc và thực sự tập trung trong quá trình học tập. Có lẽ khi đăng ký học ở ITPlus, các anh chị học viên đã xác định rõ ràng mục tiêu sau khi học xong khóa học tại đây và trao trọn niềm tin này với đội ngũ giảng viên, uy tín của nhà trường.
Để làm được phim, làm được video thì rất dễ nhưng để làm ra sản phẩm hình ảnh có giá trị cho cộng đồng và cho chính mình thì cần sự nỗ lực, cố gắng rèn luyện hơn nữa. Việc làm phim không chỉ đơn thuần là đam mê, là yếu tố kỹ thuật thuần túy, đó còn là sự chạm tinh tế của cá nhân người làm phim với hiện thực cuộc sống.
Ban Truyền Thông ITPlus