Nghệ sỹ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh

20-06-2014 12:59

Giảng Viên Nhiếp Ảnh ITPlus Academy - NSNA Bùi Đăng Thanh: 

Hơn 40 năm đã qua, người đàn ông ấy cầm máy… một tay, cần mẫn ghi lại những khoảnh khắc về một thành Nam thăng trầm, những gương mặt chợt gặp trong cõi nhân gian. Họ gọi, anh là kẻ sĩ thành Nam… Đồng nghiệp biết anh, gọi anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh thương binh… Cái tên gọi, đôi khi nó chỉ là phiếm chỉ. Nhưng, việc anh có một cánh tay 40 năm cầm máy để ghi danh vào FIAP (Hội nhiếp ảnh Quốc tế) – danh hiệu cao quý mà bất cứ người nghệ sĩ nào cầm máy cũng đều ao ước, thì là một điều có thật…

 Chỉ 1 cánh tay đi vào Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh Quốc Tế!

Trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, Bùi Đăng Thanh có lẽ là nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất cầm máy… một tay. Không phải chơi ngông. Không phải lãng du như đồng nghiệp MPK Phước “khùng” tận trong xứ sở của mimôza và những đồi thông thơ mộng… Lý do đơn giản, ấy là cánh tay phải của anh đã gửi lại chiến trường gần 40 năm trước. Nghệ danh của anh trong Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam Định, Hội nhiếp ảnh Việt Nam, rồi cả Hiệp hội nhiếp ảnh thế giới (F.VAPA), nghệ sĩ nhiếp ảnh thương binh, cũng xuất phát từ lý do ấy. Cầm máy bằng cánh tay trái còn lại, niềm đam mê có thể chỉ là lý do phụ. Cái thôi thúc anh, giục giã anh lăn lộn trên những con đường, đấy là đi tìm những góc sống dương gian, nhìn thay cho những đồng đội của mình đã khuất!
Sinh năm 1950 tại Thanh Hóa, trong một gia đình có nghề làm ảnh nổi tiếng - Hiệu ảnh Bùi Chánh. Ký ức của những người từng một lần giao thương qua ATK Ngọc Trạo – Thanh Hoá thời kỳ chống Pháp lúc bấy giờ, cái tên ấy nó trở thành địa chỉ quen thuộc đối với nhiều người. Đến nỗi, cách đây vài ngày, một ông khách đem đến cho Bùi Đăng Thanh một bức ảnh cũ chụp năm 1958 ở hiệu ảnh Bùi Chánh. Ông này nguyên là Phó ban tuyên giáo tỉnh uỷ Nam Định, một dịp đi công tác tại Thanh Hoá đã ghé qua hiệu ảnh của cha anh… Bẵng đi mấy chục năm, bức hình đen trắng trở lại tay anh, như một kỷ vật vinh danh nghề gia truyền của gia đình mình.

Thầy giáo NSNA Bùi Đăng Thanh còn được biết đến với cái tên "Nghệ sĩ tay lái nghịch"

14 tuổi, Bùi Đăng Thanh đã biết một số công việc về ảnh. Thanh được bố tin tưởng hơn các anh chị trong gia đình. Mẹ của Thanh, sau những ngày giúp chồng làm nghề, cũng trở thành một “nhiếp ảnh gia” có hạng… Năm 1964, Thanh được đi học lớp trung cấp cơ khí. Thời điểm ấy, nó là niềm tự hào và là ước mơ của biết bao người. Chiến tranh lan rộng, Thanh tình nguyện lên đường nhập ngũ. Anh phải khai tăng thêm 2 tuổi. Cũng may, cái vẻ vâm vấp, khoẻ mạnh của Thanh đã “đánh lạc hướng” Ban chỉ huy quân sự huyện lúc bấy giờ.

Huấn luyện ở quân khu Việt Bắc một năm, Thanh vào chiến trường Tây Nguyên chiến đấu. Chiến dịch mùa khô năm 1971, anh bị thương và bị loại khỏi vòng chiến đấu. Người bạn cuối cùng trong đơn vị anh gặp vào một đêm tháng 4/1971, Bùi Xuân Lai, quê Thanh Hoá. Lai truy kích địch qua bệnh viện dã chiến nơi Thanh đang điều trị. “Chúng nó hy sinh cả rồi Thanh ạ, tớ đi đây…” - cậu ta ôm Thanh khóc rồi chạy hút vào cánh rừng Tây Nguyên vĩnh viễn… Ánh mắt của người bạn, câu chuyện thời chiến lúc nào cũng vội vàng qua khói bom, đã ám ảnh anh, còn hơn cả vết thương thịt da vẫn nhức nhối anh những ngày trở gió… Phục viên. Anh trở lại đời thường với tình trạng mất 57% sức khoẻ, thương binh ¾. Nhà có 5 anh em trai – 1 là liệt sĩ, còn lại là 4 thương binh. Anh bảo, so với những người đồng đội đã nằm xuống vĩnh viễn, anh còn sống, đấy là một niềm hạnh phúc. Dẫu rằng, cuộc sống ấy nó chẳng tròn đầy như những người bình thường khác, và nó không chỉ là sự sống của cá nhân anh, mà còn là sự chia lửa của những người cùng chiến tuyến… Anh đứng dậy, gắng gượng và kiên nhẫn. Tháng 10/1971, Thanh có mặt tại đất Bắc. Điều trị 2 tháng, anh xin đi học cấp 3. Vừa học vừa tập viết tay trái, cố gắng theo kịp các em học sinh phổ thông cùng học. Đi học thời chiến, những người như anh không phải hiếm. Cái khó nhất, ấy là phải tự vượt lên chính mình. Cuộc đời này còn biết bao điều phải học…

 NSNA Bùi Đăng Thanh đạt giải nhất trong Cuộc thi Hilton Hanoi Opera Photo Hunt Challenge 2011

Tháng 9/1974, Thanh nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Kinh tế Quốc dân. Vui lắm, nhưng bàng hoàng như trong mơ khi vào khu KTX của trường. Cảm nhận được sự quý giá của cuộc sống, thương những người đồng đội đã hy sinh, anh tự bảo mình: cố mà học.Năm 1978 tốt nghiệp ĐH, có công việc tạm gọi “ổn định”, mặc dù qua nhiều cơ quan, và “ở vị trí nào cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, đó là những nhận xét của các cơ quan khi về nghỉ hưu anh mới đọc được trong hồ sơ. Những cột mốc ngày tháng, thời gian, nó chỉ là những gạch đầu dòng. Thế nhưng, để có những gạch đầu dòng ấy, là cả một quá trình đánh đổi bằng trải nghiệm của cả một đời người!

Tự viết giấy cam kết: nếu tôi chết…!

Hơn bốn mươi năm cầm máy ảnh, trước khi vì cái chân lý “nghệ thuật vị nghệ thuật” thì lý do đầu tiên, ấy là cái cần câu cơm để mưu toan cuộc sống cho gia đình và hai con nhỏ. Người ta đã biết đến những khó khăn, thiếu thốn của thời kỳ bao cấp, sống bằng tem phiếu, đi mua hàng phải đặt viên gạch để nhận chỗ… Đối với người lành lặn bình thường, những hình ảnh ấy nhắc lại vẫn thảng thốt như một cơn ác mộng. Đối với người thương binh mất một cánh tay phải, mất ¾ sức khoẻ, lại là trụ cột của gia đình, khó khăn ấy càng nhân lên gấp bội. Anh Thanh bảo, cái ngày ấy, bê cục đá đặt vào giữ chỗ, anh lại mải mốt chạy ra hồ, chờ đợi một vài người khách lạ, chụp mấy kiểu ảnh để lấy đồng ra đồng vào, thêm thắt cho đồng lương cán bộ ít ỏi…

Ảnh của Bùi Đăng Thanh, dù là ảnh sinh hoạt, ảnh phong cảnh hay ảnh chân dung…, đằng sau chúng, bao giờ cũng là một khát vọng sống, một khát khao sống, và một khát khao vươn tới những điều tốt đẹp. Năm 1987, Bùi Đăng Thanh được trao giải nhất ảnh thời sự nghệ thuật báo Hà Nam Ninh, bức ảnh “Nghề truyền thống” chụp thợ thêu ren của HTX thêu Thăng Long; năm 1991, anh có ảnh dự treo trong triển lãm Sông Hồng, tác phẩm “Đúc dế”, “Chiều công viên”; 1992: "Hoàng hôn trên sông Hoàng Long”; “Chia tay hoàng hôn”;… Hầu hết, những tấm ảnh dự thi của Thanh đều được sáng tác trong lúc chụp ảnh dạo tại công viên Vị Xuyên, bên góc thành Nam xưa cũ. Bản thân anh cũng không nghĩ, 14 năm lăn lộn bên hồ Vị Xuyên, khúc gãy còn lại của dòng sông Vị Hoàng ấy, lại cho anh những khoảnh khắc thăng hoa, để bắt lại một phút giây của nhịp sống, để những người xem tìm lại được một góc cảm xúc của mình, cho thiên lương được trong lại, bình yên…

Trong số 200 bức ảnh Bùi Đăng Thanh đang sở hữu, những cái mà như anh nói là “tạm nhìn được”, phần lớn là những bức ảnh được giải FIAP (giải thưởng của Hội nhiếp ảnh Quốc tế). Có những tác phẩm, anh phải trả giá bằng chính… mạng sống của mình.


"Bến lở" - Ảnh: Bùi Đăng Thanh

“Bến lở” là tác phẩm ghi lại khoảnh khắc của một dòng sông mùa nước lũ. Doi cái như một vệt lưỡi dài, giữa ngầu đỏ phù sa. Trong cái khung cảnh rợn ngợp ấy, cô thôn nữ áo hồng khoả tay vốc nước, tạo nên hiệu ứng bất ngờ làm giảm đi cái hung dữ và hoang vắng của đìu hiu song nước… Bức ảnh ấy, Bùi Đăng Thanh bất ngờ gặp phải, trong một lần chạy xe lang thang trên đường 39, khi cầu Triều Dương nối liền vùng Hưng Yên – Thái Bình đang thi công. Mải mốt, anh vứt xe bên đường, chẳng kịp tắt máy, hớt hải bò lên mố cầu còn đang thi công dở.

Mấy anh công nhân cầu đường đang hàn xì, giật mình ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên, họ chuyển sang hốt hoảng vì cái ý tưởng rồ dại của người đàn ông lạ, mất một cánh tay, lại đeo chiếc máy ảnh tòn ten trước ngực. Họ ra sức can ngăn, rằng rất nguy hiểm, lại không có thiết bị bảo hộ lao động. Nắng chiều sắp tắt. Bóng mố cầu chênh chếch, dần che lấp khoảng ngợp bên bến song. Bùi Đăng Thanh thở dài tiếc nuối. Năn nỉ mãi, cuối cùng anh phải quả quyết, viết giấy cam đoan, đại ý rằng: tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh Nam Định, quê quán, địa chỉ…, tôi viết giấy cam đoan rằng việc tôi lên công trường nguy hiểm này là tự nguyện, và xin tự chịu mọi hậu quả nếu như xảy ra… “Bến lở” được đổi bằng bản “cam kết tự nguyện” của nghệ sĩ nhiếp ảnh thương binh Bùi Đăng Thanh như thế.

Đến nay Bùi Đăng Thanh đã có 16 giải thưởng trong nước và quốc tế, 76 lần có ảnh triển lãm quốc tế, vượt số điểm để trở thành hội viên Hội nhiếp ảnh quốc tế (E.FIAP, E. VAPA). Lối thể hiện trong tác phẩm của Bùi Đăng Thanh là khoảnh khắc. Không gian ảnh của anh rộng, khoáng đạt, như chính sự khoáng đạt và bản lĩnh của người bấm máy. Ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2007 vừa qua, Bùi Đăng Thanh tập hợp 60 tác phẩm - những dấu chân của anh đi trên khắp nẻo đường đất nước, từ biên giới đến các vùng hải đảo, từ một phân xưởng thủ công của những làng nghề, những người thợ, những nghệ nhân dân gian sau những ngày mùa bỏ cuốc, bỏ liềm để cầm cọ bút, bàn xoay, dùi đục chạm khắc… để tri ân đồng đội. Anh đi từ “Lối quê” bước vào cuộc sống, đến với những người lao động “Dệt mùa xuân”, “Giữ mạch thông tin”…; những “Bàn tay người thợ” với khát khao, tâm huyết “Truyền nghề”… Ảnh của Bùi Đăng Thanh, người ta tìm thấy những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống “Mẹ và con”, “Vũ điệu mùa đay”, “Tuổi thơ”, “Những đứa trẻ đồng quê”…, hay để khắc ghi những khoảnh khắc của ký ức “Nắng lối xưa”, “Bến lở”, “Thời gian”…

Cuộc đời của mỗi một con người, tự nó đã là một câu chuyện: câu chuyện về sự sinh tồn, câu chuyện về cuộc đấu tranh để ghi danh mình vào một khúc sống trong cõi trời dằng dặc… Có những câu chuyện khiến người đời kính phục, có những câu chuyện làm người đời rớt nước mắt… Nhưng, có những khúc sống, những câu chuyện khiến người ta suy nghĩ, về một khát vọng sống không chỉ cho mình, mà còn để “truyền lửa” cho những cuộc đời, hoàn thiện cái “trách nhiệm người” với cộng đồng, xã hội… Một cành củi khô dạt trôi giữa mênh mông của dòng nước lũ, dưới nền đen trắng, tựa như một nét chấm phá của bức tranh thủy mặc… Cành củi ấy, nó nổi trôi, ngụp lặn nhưng không bao giờ bị nhấn chìm… Cũng như “kẻ sĩ thành Nam” Bùi Đăng Thanh, anh chế lại tay ga từ bên phải sang bên trái, thành một thứ “tay lái nghịch” để rong ruổi những miền đất, ghi dấu lại một nét cuộc đời, cho những tâm hồn yêu sống, và yêu nghệ thuật…

Một số tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Bùi Đăng Thanh:

Miền quê thương nhớ

Ra khơi

Vũ điệu nghề nón

Tơ vương thiên ngọc

Người dẫn đường trên biển

 

 

HA (Nguồn: Vietnamnet)

 

 

Các khóa học tại ITPlus Academy

Khóa học thiết kế và lập trình website PHP và MySQL chuyên nghiệp (102h)

Khóa học Lập trình Ứng dụng Di động Android chuyên nghiệp (102h)

Khóa Thiết kế đồ họa chuyên nghiệp (102h)

Website: http://itplus-academy.edu.vn/

Bài viết cùng chủ đề