Sinh viên làm thêm: Nỗi lo “bo” tiền phạt

12-05-2014 12:59

 Làm thêm với đồng lương ít ỏi, nhiều bạn sinh viên còn đối diện với nỗi lo "bo" tiền phạt.

 Không chỉ dịp vào lễ Tết mà ngay cả những ngày thường, sinh viên làm thêm trong các quán ăn, cửa hàng cho tới các shop bán quần áo, mỹ phẩm … đều luôn tự đặt mình trong tình trạng cảnh giác cao độ bởi chỉ sơ ý một chút là cả tháng nai lưng lấy công chịu phạt.

Mải miết kiếm tiền, bù phạt triền miên
Trong thời buổi vật giá tăng lên vùn vụt, mọi chi phí ăn uống sinh hoạt đều đắt đỏ, để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, nhiều sinh viên đã phải kiếm việc làm thêm với mong muốn giúp đỡ gia đình, có thêm thu nhập để chi tiêu hàng ngày. Thế nhưng theo phần lớn các sinh viên phản ánh: thời gian họ làm việc quá dài, hơn nữa công việc lại vất vả, nặng nhọc nhưng mức lương họ nhận được hàng tháng thì quá “bèo bọt”. Không những thế, có rất nhiều sinh viên miệt mài làm cả tháng nhưng không nhận được bất cứ đồng lương nào và phải lấy công chịu phạt do: làm mất đồ, vỡ đồ, thanh toán nhầm cho khách…
Lần theo tấm biển tuyển nhân viên, bạn Nguyễn Thị Linh 20 tuổi - sinh viên năm cuối trường Cao đẳng du lịch Hà Nội đã nộp hồ sơ xin làm nhân viên bán hàng trong một shop quần áo ở Cầu Giấy. Linh cho biết, cô xin ông chủ làm ca từ 14h chiều đến 22h tối với mức lương cứng là 1,5 triệu đồng/ tháng, riêng tháng đầu, chủ giữ lại ½ lương và phải làm hết 3 tháng mới được trả số lương còn lại.

Sinh viên làm thêm: Nỗi lo bo tiền phạt
Bạn Nguyễn Thị Linh, 20 tuổi - sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội là nhân viên bán hàng trong một shop quần áo ở Cầu Giấy

Linh làm việc rất nhiệt tình, nhanh nhẹn lại khéo chào hàng nên từ khi vào làm, shop quần áo đông khách hơn hẳn. Thế nhưng vừa tròn một tháng đi làm thì những nhân viên cũ trong tiệm quần áo lần lượt bỏ việc, chỉ còn Linh và một chị kế toán nữa tiếp tục ở lại làm việc. Cho tới cuối tháng, khi kế toán kiểm kê phát hiện một số lượng quần áo lớn đã “không cánh mà bay” thì Linh mới ngã ngửa lý do vì sao những nhân viên cũ lại đột xuất nghỉ việc như vậy.
Là người đứng mũi chịu sào, Linh và một nhân viên nữa đành phải gánh chịu hậu quả: bị trừ ½ lương tháng đang làm và phải làm bù sang tháng sau. Không chỉ phải bù tiền mà Linh còn bị ông chủ nghi ngờ lấy cắp đồ nên mỗi khi không vừa ý, ông chủ lại mắng nhiếc, quát tháo cô thậm tệ. Và cũng từ đây, Linh bán hàng dưới sự giám sát chặt chẽ của một người quản lý do bà chủ cửa hàng quần áo phân công trông coi.
Cùng cảnh ngộ như Linh, bạn Phạm Thị Thu Trà (21 tuổi Hà Trung – Thanh Hóa), là sinh viên năm 2, trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương hiện đang làm nhân viên tạp vụ cho một quán ăn trên đường Hoàng Quốc Việt. Thu Trà cho biết: “Gia đình mình cũng khó khăn nên từ những ngày đầu ra thủ đô học mình đã đi làm thêm kiếm tiền nuôi thân, phụ giúp cha mẹ. Ban đầu mình đi phát tờ rơi được gần 1 tháng nhưng không lấy được tiền nên xin nghỉ, rồi mình có cô bạn cùng lớp giới thiệu đi làm tạp vụ cho một quán cơm bình dân gần nhà, công việc cũng mệt lắm nhưng vì lương cao hơn một chút nên mình làm. Thế nhưng đúng là cái số, ngay từ tuần đầu đi làm, do sơ ý nên mình có nhỡ tay làm hỏng quạt thông gió, chủ quán biết chuyện liền tuyên bố trừ đứt tiền lương cả tháng của mình và bồi thường thêm 200 nghìn tiền sửa quạt. Làm hết tháng mình xin nghỉ hẳn và chừa không dám bén mảng đi làm thêm nữa”.
Nguyễn Thị Huệ (22 tuổi – Hoằng Hóa – Thanh Hoá) sinh viên năm cuối trường Đại Học Lao động thì cho biết, cô đi làm nhân viên phục vụ cà phê được 3 tháng, công việc chủ yếu chỉ là bê cà phê cho khách và dọn dẹp bàn. Lương Huệ nhận được một tháng là 1,2 triệu. Dù lương thấp như vậy nhưng có tháng, chủ quán còn trừ mấy 200 nghìn đồng vì vô ý làm đổ cà phê vào khách hàng.
Nơm nớp nỗi lo “bo” tiền phạt
Việc làm thêm không chỉ mang lại những khoản thu nhập nho nhỏ mà còn giúp sinh viên tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm và vốn sống trước khi rời ghế nhà trường. Thế nhưng cũng có không ít những sinh viên khi mới bước chân vào làm thêm gần như phải mạo hiểm đánh cược với số phận và canh cánh nỗi lo làm việc không công - bù phạt.

Sinh viên làm thêm: Nỗi lo bo tiền phạt
Phạm Thị Hồng, sinh viên năm 3 trường Đại học Điện lực làm bán thời gian cho một quầy bán kính trong khu vực chợ Xanh.

Bạn Tống Thị Xuân sinh viên năm cuối trường Đại học Dân lập Đông Đô, hiện đang làm nhân viên thu ngân trong một quán cơm bình dân gần trường. Theo lời Xuân kể lại: “mặc dù làm nhân viên thu ngân nhưng nhiều khi nhà hàng đông khách mình vẫn phải chạy bàn, tiếp khách thậm chí là rửa bát". Do áp lực công việc căng thẳng lại chưa thạo nghề nên tháng đầu tiên, Xuân đã sơ ý ghi nhầm 3 lần đồ, 2 lần tính tiền sai cho khách. Lần đầu tiên làm sai bị quản lý nhắc nhở, đến lần thứ hai bị phạt 300 nghìn, đồng thời phải bỏ tiền túi bù vào cho nhà hàng số tiền thiếu mà lẽ ra khách phải trả. Làm việc suốt 8h/ ngày nhưng cuối tháng, Xuân chỉ nhận được 1 triệu tiền lương, hỏi ra mới biết chủ quán đã trừ 600 nghìn vào tiền công vì tội ghi hóa đơn thiếu cho khách. Không chỉ mình Xuân mà những nhân viên khác trong quán cũng thi thoảng bị “phạt tiền” với muôn vàn lý do: ghi nhầm đồ, đưa nhầm thức ăn, đánh vỡ chén bát, cãi lại khách hàng khi bị trêu chọc....

Nhiều bạn sinh viên đi làm than thở, trong khi số lượng công việc thì nhiều nhưng tiền lương mà họ nhận được rất thấp, đã vậy còn bị chủ, khách to tiếng, tháng nào cũng “xót ruột” vì bị trừ lương vô tội vạ.
Nguyễn Thị Hiền sinh viên năm 2 trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Mình cũng đang làm tạp vụ cho quán ăn, công việc hằng ngày là nấu cơm, rửa bát, nhặt rau, chạy bàn, dọn dẹp quán từ 6h -13h mức lương là 1,5 triệu. Làm việc ở quán rất áp lực, ông chủ thì khó tính, chỉ cần làm không vừa ý cũng đều bị la mắng, quát tháo, thậm chí là dọa trừ lương như cơm bữa". Cách đây không lâu, Hiền vừa bị ông chủ phạt cảnh cáo 200 nghìn đồng vì tội làm vỡ 10 chiếc đĩa sành, ông còn răn đe nếu lần sau tái phát thì miễn lấy lương. Từ đó mỗi lần tới quán, Hiền rất sợ hãi, nản chí, nghĩ đến một lúc nào đó mình sơ ý làm hỏng đồ thì cả tháng coi như công cốc. Cuối cùng, cô cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng, đợi làm hết tháng lấy lương thì mới đi kiếm công việc khác.
Đồng cảnh ngộ với Hiền, bạn Phạm Thị Hồng, sinh viên năm 3 trường Đại học Điện lực làm bán thời gian cho một quầy bán kính trong khu vực chợ Xanh cho hay: “Mỗi tháng nhà chủ trả cho 1, 2 triệu tiền công nhưng nếu không đạt doanh thu 6 triệu thì sẽ bị trừ lương. Hơn nữa bán những đồ lặt vặt như: kính, khăn da … ở những chốn đông người thường bị mất đồ như cơm bữa.Tháng nào không bán được hàng chủ thường la mắng, quát tháo, thậm chí “khất lương” vì lý do doanh thu không đạt”.
Bạn Nguyễn Văn Tú (21 tuổi, Phủ Lý – Hà Nam), sinh viên năm cuối trường Đại học Tài nguyên Môi trường cũng bán hàng trong chợ Xanh phàn nàn: “Mình đi làm ở đây từ đợt hè, vì nhà xa lại không có phương tiện đi lại nên mình được chủ cho mượn xe đạp. Lẽ ra mình đã xin nghỉ cách đây một tháng để ôn thi rồi nhưng vì làm mất xe của chủ nên giờ phải làm thêm một tháng nữa để lấy công chuộc tội”.
Có thể nói làm thêm là cơ hội cho nhiều bạn sinh viên trải nghiệm cuộc sống, hiểu biết hơn về xã hội và có thêm những cơ hội giao lưu, trao dồi năng lực bản thân. Tuy nhiên để tìm được công việc tốt quả là một việc rất khó khăn đối với các bạn sinh viên. Vì thế khi quyết định đi làm thêm, đòi hỏi sinh viên cần phải thận trọng, cân nhắc để có được những sự chọn lựa khôn ngoan, sáng suốt. Có như vậy thì họ mới có thể tránh được những rủi ro không đáng có từ câu chuyện làm thêm của mình.

Janlo theo Khám Phá

 

 

Bài viết cùng chủ đề