TỔNG HỢP CÁC NGÀNH NGHỀ DỄ XIN VIỆC NHẤT TRONG TƯƠNG LAI

11-10-2018 16:32

Các em học sinh khối 12 đã bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn nhất, khi phải xác định và lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân trong tương lai. Với các tiêu chí như dễ xin việc sau khi ra trường, điểm chuẩn không cao,…, việc chọn trường, chọn ngành trở nên vô cùng nan giải.

Hiểu được điều đó, ITPlus Academy đã tổng hợp một số ngành học dễ xin việc trong các năm tới đây để các em học sinh và các bậc phụ huynh tìm hiểu, từ đó dễ dàng đưa ra quyết định hơn. Cùng đọc trong bài viết dưới đây nhé!

Nhóm ngành dễ xin việc nhất: Ngành Điện – Điện tử

Điện – điện tử đang là lĩnh vực được áp dụng nhiều nhất trong đời sống hiện nay. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng các nhân viên quản lý hệ thống điện – điện tử trong các doanh nghiệp sản xuất là vô cùng lớn. Ngoài ra, sinh viên sau khi ra trường cũng có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp nhỏ, hoặc tự mở cơ sở kinh doanh của riêng mình.

Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành điện - điện tử đều có khả năng vận hành, bảo trì, sửa chữa, cải tiến nâng cấp các hệ thống, thiết bị điện tử cũng như tìm hiểu, phát triển, ứng dụng điện tử công nghiệp vào đời sống hàng ngày. Điện – điện tử được áp dụng rất nhiều trong cuộc sống, nhưng cũng là ngành đòi hỏi kiến thức rất lớn để không gây ra những rủi ro đáng tiếc. Do vậy, các sinh viên tốt nghiệp ngành này thường được đánh giá rất cao và được nhiều doanh nghiệp “săn lùng”.

Tuy nhiên, điểm chuẩn của nhóm ngành này lại không quá cao, do ít sinh viên theo học ngành này. Trong các đợt tuyển sinh ĐH các năm trước, nhóm ngành này chỉ dao động từ 14 đến 21 điểm. Nhóm ngành điện – điện tử rất thích hợp cho những em học sinh vùng sâu, vùng xa nơi đang từng bước phát triển kinh tế, khi ra trường các em cũng không cần sự quen biết để xin việc mà các công ty luôn chú trọng đến kiến thức, năng lực của sinh viên, đặc biệt là các em nam có sức khỏe và lực học ở mức khá.

Nhóm ngành có công việc ổn định nhất: Ngành Nông – lâm – ngư

Ngành Nông – lâm – ngư là nhóm ngành ít được quan tâm nhất trong các đợt tuyển sinh, nhưng sự thật mà rất ít thí sinh và phụ huynh biết đến, đó là ngành này là ngành học có rất nhiều cơ hội tìm việc làm ổn định. Lý do chúng tôi khẳng định điều này là do Nhà nước đang đầu tư rất lớn vào ngành này để thúc đẩy sản xuất.

Nhiều phụ huynh và học sinh nghe tên ngành sẽ nghĩ rằng công việc sau này vất vả, phải làm việc ngoài đồng ruộng, lên rừng xuống biển, nhưng thực tế không phải vậy. Nhóm ngành này có rất nhiều ngành học khác nhau, chủ yếu thiên về nghiên cứu và chế tạo như quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật,…

Cũng vì sự hiểu biết sai lệch về ngành nghề mà rất ít thí sinh lựa chọn ngành học này trong các năm tuyển sinh vừa qua, dẫn đến ngành học ngày điểm trúng tuyển khá thấp, chỉ tương đương điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Nếu hiểu đúng về nhóm ngành này thì thực chất sinh viên ra trường rất dễ xin việc, bởi theo nghiên cứu thì nguồn nhân lực trong ngành nông – lâm – ngư vào năm 2020 sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động đã qua đào tạo. Đây cũng là cơ hội lớn cho những bạn trẻ có lực học trung bình và mong muốn có một công việc ổn định trong tương lai.

Nhóm ngành mới lạ và hấp dẫn nhất: Ngành Công nghệ

Trong nhóm ngành công nghệ có 3 ngành được các thí sinh quan tâm nhất đó là ngành công nghệ thông tin, ngành công nghệ thực phẩm và ngành công nghệ môi trường.

Đáng phải kể đến đầu tiên phải là ngành Công nghệ thông tin. Trong thời đại công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ vượt bậc như hiện nay, thì nhân lực công nghệ thông tin đang ở mức thiếu hụt rất lớn. Với các mảng như lập trình máy tính, lập trình di động, truyền thông đa phương tiện, quay dựng phim,…, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ không lo gặp phải vấn nạn thất nghiệp, thậm chí còn có công việc với mức lương cực “khủng”.

Đối với ngành công nghệ thực phẩm, tân cử nhân sẽ làm việc ở những nơi có liên quan đến vận hành dây chuyền công nghệ sản xuất, tham gia thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ, tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học.

Đối với ngành công nghệ môi trường, tân cử nhân có thể thiết kế, thi công, vận hành và quản lý hệ thống cấp thoát nước, các công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp, công nghệ xử lý và quản lý chất thải rắn sinh hoạt - chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại. Cử nhân ngành công nghệ môi trường còn có khả năng dự báo, phát hiện những vấn đề môi trường đã, đang và sẽ xảy ra, đồng thời biết tổ chức thực thi các biện pháp xử lý, khắc phục, phòng tránh những sự cố xảy ra có hại đến môi trường.

Đúng như nhận định của các thí sinh, hiện nay ba ngành học này đang rất “hot” và rất có triển vọng về việc làm trong các năm tới. Chính vì vậy, điểm chuẩn của ngành này cũng khá cao, dao động từ 18 – 21 điểm, đối với ngành CNTT có thể lên tới 23-24 điểm.

Nhóm ngành có thu nhập cao: Ngành xã hội

Trái ngược với ý kiến của các lãnh đạo nhiều ngành xã hội rằng ngành xã hội đang rất khan hiếm nguồn lực, thì nhiều thí sinh lại cho rằng, các ngành xã hội rất khó xin việc. Đó là những thông tin sai lầm mà thí sinh chưa tìm hiểu kỹ về ngành học, dẫn đến nhiều sự lựa chọn không đúng đắn.

Đứng đầu các ngành xã hội hiện nay là ngành báo chí và luật. Ngoài ra, một số ngành xã hội có nhiều triển vọng về việc làm trong các năm tới như ngành Quốc tế học, Đông phương học, ngành Hán Nôm, Việt Nam học, du lịch, văn hóa, xuất bản… Khi học các ngành này, sau khi ra trường sinh viên sẽ được làm tại các Viện nghiên cứu, các hội, sở ban ngành của Nhà nước hoặc cũng có thể làm giảng viên tại các trường Đại học.

Ngành xã hội hiện nay đang rất cần nhân lực có chất lượng vì đa số thí sinh giỏi đều có ý định theo học các ngành kinh tế, tài chính – ngân hàng,… Do đó, nếu có niềm đam mê ngành và có năng lực học tập tốt, chắc chắn sinh viên ra trường sẽ được có việc làm như mong muốn. Ví dụ cụ thể như với ngành du lịch, trong quá trình học tập sinh viên học thêm nhiều ngoại ngữ khác nhau thì tỷ lệ có việc làm ở những công ty du lịch lữ hành lớn, được đi hướng dẫn du lịch nước ngoài với số lương cao hơn các ngành kinh tế là chuyện hết sức bình thường.

Với một số ngành xã hội khác cũng vậy, nhiều thí sinh cứ nghĩ rằng học ngành xã hội ra trường chỉ được làm việc ở Nhà nước với số lương hàng tháng thấp nhưng khi xin vào cũng cần phải quen biết. Tuy nhiên, đó là suy nghĩ hoàn toàn sai vì sinh viên học các ngành này hoàn toàn có thể làm ở những công ty có các hoạt động như tổ chức sự kiện, tổng hợp, xuất bản,… với mức lương mà hàng nghìn người mơ ước.

Ngành có nhiều việc làm: Ngành Xây dựng

Xây dựng là ngành hiện được xã hội rất quan tâm do nhu cầu xây dựng công trình, xí nghiệp, nhà cửa ngày càng nhiều. Khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư, có thể đảm nhận các công việc ngoài công trường, trong công xưởng hoặc trong văn phòng.

Công việc ngoài công trường bao gồm các vị trí như kỹ sư thi công, thợ đào - đắp đất, đóng - ép cọc, trộn bêtông cốt thép, ván khuôn, hồ nề, mộc, chống thấm, sơn, lắp đặt hệ thống cấp thoát nước sinh hoạt và thiết bị vệ sinh, lắp đặt hệ thống điện sinh hoạt; kỹ sư giám sát thi công; chỉ huy trưởng công trường...

Công việc trong văn phòng như chuyên viên hoặc nhân viên quản lý ở phòng kế hoạch, dự án, phòng quản lý chất lượng ở các đơn vị thi công xây dựng hoặc có thể thực hiện các công việc tư vấn xây dựng ở các xí nghiệp thi công.

Đây là ngành không cần sự quen biết để xin việc, do đó đối với những thí sinh không có điều kiện về kinh tế, quan hệ xã hội nhưng muốn làm giàu thì ngành xây dựng là rất thích hợp để các thí sinh lựa chọn.

Phần lớn các bạn học sinh ngày nay đang có những hiểu biết sai lệch, phiến diện về các ngành nghề, từ đó đưa ra những quyết đinh sai lầm, không phù hợp với bản thân mình. ITPlus Academy hy vọng các bạn thí sinh trước khi lựa chọn ngành nghề tương lai của mình, hãy tìm hiểu thật kỹ lưỡng và không nên lựa chọn những điều quá xa vời so với sức lực của bản thân mình.

Chúc các bạn học sinh thành công trong việc chọn lựa con đường tương lai của mình.

Ban Truyền thông ITPlus Academy

Bài viết cùng chủ đề