Kì 2: Một số ngành học thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin

23-05-2014 12:59

 Kì này giới thiệu một số ngành học cụ thể thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin.

>> Kì 1: Học Công nghệ thông tin cần những tố chất gì?

Ngành công nghệ thông tin (CNTT) có rất nhiều chuyên ngành như khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin…

CNTT có hai phần cốt lõi là phần cứng và phần mềm, trong đó phần mềm mới thật sự là bản chất của CNTT. Muốn trở thành chuyên gia CNTT, bạn cần phải giỏi môn Toán, Tiếng Anh, có khả năng làm việc theo nhóm và sức khỏe thật tốt.

Một số chuyên ngành chính của ngành CNTT đó là:

1. Ngành khoa học máy tính

Ngành Khoa học máy tính đào tạo kỹ sư ngành khoa học máy tính nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn sâu về khoa học máy tính, trong đó chú ý đến các lĩnh vực tiên tiến về CNTT như: các hệ thống điều khiển thông minh, các hệ thống đa truyền thông, các hệ thống khai thác xử lý tri thức, xử lý ngôn ngữ tự nhiên…

Sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia giảng dạy CNTT trong các trường Đại học, tham gia nghiên cứu trong phòng lab R& D, tư vấn về CNTT cho các đơn vị, doanh nghiệp cũng như tham gia viết các sản phẩm phần mềm.   

Cử nhân khoa học máy tính làm việc ở các chức danh: cán bộ nghiên cứu và ứng dụng CNTT ở các viện, trung tâm nghiên cứu và các trường ĐH-CĐ, giảng viên CNTT ở các trường ĐH-CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, cán bộ quản lí dự án CNTT ở các cơ quan, ngành, tổng cục, công ty. Một số tiếp tục đào tạo sau ĐH để nhận các trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, trở thành các chuyên gia trong lĩnh vực CNTT.

2. Ngành kỹ thuật máy tính

Ngành này đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật máy tính nắm vững các nguyên lý cơ bản và thực tiễn trong lĩnh vực kỹ thuật máy tính, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế vi mạch.

Sau khi hoàn thành chương trình, kỹ sư ngành kĩ thuật máy tính có khả năng nghiên cứu và thiết kế các bộ phận chức năng của máy tính, tham gia làm việc trong các dự án sản xuất các thiết bị máy tính cho các tập đoàn lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam như: Intel, IBM, Samsung, Nidec…

3. Ngành kĩ  thuật phần mềm

Ngành kĩ thuật phần mềm trang bị cho sinh viên kiến thức tổng quát về qui trình xây dựng, quản lý và bảo trì hệ thống phần mềm; có khả năng phân tích, thiết kế và quản lý các dự án phần mềm; cung cấp phương pháp luận và công nghệ mới để sinh viên có thể nắm bắt và làm chủ các tiến bộ khoa học.

Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản về tổ chức và quản lý công nghệ phần mềm để có khả năng xây dựng mô hình và áp dụng các nguyên tắc của công nghệ phần mềm vào thực tế.

4. Ngành hệ thống thông tin

Ngành hệ thống thông tin đào tạo kỹ sư đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin của xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin có khả năng tham gia xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ cho các hướng ngành đang có nhu cầu rất lớn của xã hội, là: giáo dục điện tử, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, các hệ thống thông tin địa lý (GIS)…Ngoài ra sinh viên còn có khả năng tư vấn, xây dựng các hệ thống thông tin theo đặc thù phục vụ cho doanh nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin làm việc ở các chức danh: nghiên cứu viên, giảng viên, cán bộ quản lí dự án…

5. Ngành mạng máy tính và truyền thông

Ngành mạng máy tính và truyền thông đào tạo kỹ sư nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành nghề, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu, ứng dụng, có khả năng thiết kế chế tạo, bảo trì, sản xuất, thử nghiệm, quản lý các hệ thống mạng máy tính và truyền thông.

Sinh viên tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các chức năng tham mưu, tư vấn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ với tư cách là một chuyên viên trong lĩnh vực CNTT.

Kì III: Những Kĩ năng cần thiết khi học ngành Công nghệ thông tin
 
Janlo - st

Bài viết cùng chủ đề