Làm trái ngành, trái nghề: Đừng lo lắng!

15-01-2016 11:59

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi chia sẻ tâm huyết, thân tình với sinh viên, khuyến khích các em thực hiện đam mê, cố gắng hết mình vì những điều tốt đẹp cho cuộc sống.

Sáng 15-9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự lễ khai giảng tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) và dành nhiều thời gian để chia sẻ quan điểm sống với sinh viên, tân sinh viên.

Đừng lo mình không làm được việc!

Trước băn khoăn của tân sinh viên về tình trạng thất nghiệp của những ngành xã hội, Phó Thủ tướng đưa ra lời khuyên “đừng già trước tuổi”. “Các bạn đừng nghĩ rằng vào ĐH là trở thành người lớn. Các bạn có thể tốt nghiệp ĐH sau 4 năm, các bạn đừng tưởng những kiến thức từ sách vở, bạn bè, thầy cô, đi làm thêm… có thể cống hiến cho xã hội. Chưa ăn thua gì cả! ĐH cho bạn những kiến thức cơ bản nhưng quan trọng là phương pháp và hơn nữa hướng tới các kỹ năng cần thiết khi ra đời. Học tập là việc hằng ngày hằng giờ, hôm nay tôi cũng học tập được từ các bạn rất nhiều. Hãy học hết mình, đừng so bì với ai xung quanh. Cứ cố gắng hết sức rồi ra trường bạn sẽ tìm được chỗ đứng trong xã hội. Bạn đừng băn khoăn làm trái ngành, trái nghề hay không” - Phó Thủ tướng trao đổi.

Ông cũng lấy ví dụ mình đang làm một công việc hoàn toàn trái ngành, trái nghề. “Tôi học Trường ĐH Bách khoa, Khoa Tin học, không bao giờ nghĩ rằng là làm chính trị. Ngày xưa biết chút ngoại ngữ nên làm đối ngoại. Tôi chưa bao giờ được đào tạo để làm Phó Thủ tướng cả. Tôi cũng xin thưa rằng khi bằng tuổi các bạn và ra trường 10 năm, nhận xét của cơ quan và của cấp trên là rất quý tôi vì khả năng giao tiếp xã hội của tôi... không tốt. Điều đó rất thật cho tới năm 2003, khi tôi được luân chuyển xuống địa phương. Lần đầu tiên có những công việc phải giao tiếp với rất đông người và tôi phải làm quen. Vậy nên, các bạn hãy cứ làm việc hết mình” - Phó Thủ tướng nói.

Thiết kế và lập trình Web chuyên nghiệp với PHP

Thiết kế đồ họa chuyên nghiệp

Lập trình ứng dụng di động IOS

Ông cũng chia sẻ thêm để một đất nước phát triển cần có sự tham gia của toàn xã hội, ở đúng cương vị của mình. Nếu tất cả chúng ta làm được những việc như vậy, xã hội sẽ phát triển. “Sinh viên ngoài việc học cho thật giỏi, nghiên cứu khoa học, hãy tham gia hoạt động ngoài xã hội để nhân rộng giá trị tốt đẹp. Hãy sống hết mình, đừng lo mình không chín chắn, không làm được việc” - Phó Thủ tướng gửi gắm.

Hãy trao cho nhau nụ cười

Phó Thủ tướng tâm sự: Ông được đào tạo về kỹ thuật, tuy nhiên các ngành khoa học xã hội và nhân văn không chỉ là những vấn đề liên quan đến lịch sử, không chỉ là những triết lý, những công trình to lớn mà nó liên quan đến tất cả những gì bình dị diễn ra xung quanh chúng ta hằng ngày. “Từ trong nhà ra ngoài phố, từ trong lớp bước ra xã hội, qua những ánh mắt nụ cười, những cử chỉ hành vi, chúng ta đều có thể thấy những điều rất nhân văn, rất tốt đẹp hay không tốt đẹp, kể cả những nguy cơ có thể dẫn đến suy đồi về văn hóa. Những điều tốt đẹp và chưa tốt đẹp ấy có phần trách nhiệm của mỗi người” - Phó Thủ tướng nói.

“Cuộc sống có rất nhiều điều tốt đẹp, nhiều điều vui. Điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống, đến lúc nào đó, các bạn sẽ hiểu được, đó là mang lại điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Không chỉ là nụ cười mà còn là giọt nước mắt hay đôi khi chỉ là những thứ nhỏ bé cũng tạo nên ý nghĩa cuộc sống” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khiến nhiều sinh viên xúc động vì những tâm sự của mình.

Ông kể khi ông vào bệnh viện thăm người thân, có người đã nhắc ông xếp hàng trước để nhận cơm miễn phí vì nghĩ ông đi trông người bệnh. Phó thủ tướng cũng nhắc lại bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rằng hãy yêu nhau đi, hãy trao cho nhau muôn vàn yêu dấu, hãy trao cho nhau hạnh phúc thương đau; hãy nghĩ về người xung quanh, hãy thực sự nghĩ rằng nếu mình làm được gì tốt cho mọi người thì làm. “Những việc mình làm có thể được nhìn nhận đúng hoặc không, thậm chí sẽ bị hiểu lầm nhưng không sao cả. Mình làm được việc tốt, với một động cơ tốt, cho người khác nụ cười là mang đến cho cuộc sống những điều tốt đẹp” - Phó Thủ tướng tâm tình.

Nguồn: ITPlus (ST)

Bài viết cùng chủ đề

1