Thông điệp: “Thúc đẩy nền tảng giải pháp số – Tiên phong phát triển các hệ sinh thái số”
Bổ sung nhóm “Các nền tảng chuyển đổi số”, Sao Khuê 2021 sẽ bình chọn và công nhận các giải thưởng theo 6 nhóm
Giải thưởng Sao Khuê được VINASA tổ chức lần đầu tiên năm 2003 với mục đích tôn vinh, biểu dương các doanh nghiệp, cơ quan, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm và công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam. Từ năm 2005, để tăng cường hỗ trợ, định hướng cho ngành, phạm vi đối tượng giải thưởng được mở rộng tới các sản phẩm và dịch vụ của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam. Từ đó đến nay, nhằm cập nhật các xu thế công nghệ công nghệ mới nhất, định hướng thị trường ứng dụng CNTT Việt Nam, Giải thưởng Sao Khuê đã liên tục được cập nhật, cải tiến qua các thời kỳ nhưng vẫn luôn giữ gìn giá trị cốt lõi – đó là tinh thần “Sao Khuê – ngời sáng trí tuệ Việt Nam”, và trở thành một kênh truyền thông, quảng bá, định hướng thị trường hiệu quả, một nhân tố không thể thiếu thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.
Qua 17 năm tổ chức, 1089 Giải thưởng Sao Khuê đã được vinh danh. Qua đó, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng, khẳng định uy tín sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu của các doanh nghiệp và tổ chức, góp phần thiết thực khuyến khích người Việt Nam sử dụng các sản phẩm, giải pháp phần mềm do Việt Nam sáng tạo và phát triển. Từ sự vinh danh và các hoạt động quảng bá, truyền thông của Giải thưởng, nhiều doanh nghiệp CNTT đã ghi nhận doanh thu đột phá, tạo đà cho sự tăng trưởng dài hơi về quy mô, mở rộng thị phần qua các năm, có thể kể đến những tên tuổi như: Viettel, FPT, VNPT, MISA, Bravo, KMS Technology, VNG, Rikkeisoft, ITPLus Academy,...
Nhận diện thực trạng và nhu cầu thị trường CNTT-TT Việt Nam trong giai đoạn mới
Chương trình Chuyển đổi đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với 03 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số kiến tạo ra một không gian số hoàn chỉnh cho Việt Nam. Các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam được xác định là lực lượng tiên phong, xung kích trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là giai đoạn các doanh nghiệp CNTT đã tích lũy đầy đủ những điều kiện về trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính, nhân lực trình độ cao để phát triển các NỀN TẢNG SỐ quy mô, hợp tác cùng nhau, tích hợp các DỊCH VỤ, GIẢI PHÁP SỐ nhằm tạo dựng những HỆ SINH THÁI SỐ hoàn thiện cho Việt Nam đặc biệt là Hệ sinh thái số cho các ngành trọng điểm: Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục, Giao thông vận tải & Logistics, Sản xuất công nghiệp, Tài chính – Ngân Hàng, Năng lượng, Tài nguyên môi trường…Đại dịch Covid vừa là NGUY nhưng cũng tạo ra cơ hội ngàn năm có một đẩy nhanh tốc độ của tiến trình hoàn thiện các hệ sinh thái số để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát triển đất nước.
Sao Khuê 2021: Thúc đẩy nền tảng giải pháp số – Tiên phong phát triển các hệ sinh thái số
Trong bối cảnh trên của đất nước và ngành CNTT, trong năm thứ 18 Giải thưởng được tổ chức, Giải thưởng Sao Khuê 2021 tự đặt cho mình sứ mệnh quan trọng đó là “Thúc đẩy nền tảng giải pháp số – Tiên phong phát triển các hệ sinh thái số”.
Với định hướng này, điểm mới đầu tiên là nhóm “Các nền tảng chuyển đổi số” sẽ được bổ sung vào các nhóm đối tượng bình chọn và công nhận Giải thưởng Sao Khuê 2021. Đây là sự thay đổi thiết thực nhằm khuyến khích các doanh nghiệp CNTT đặt biệt là các doanh nghiệp lớn tiên phong đầu tư phát triển các NỀN TẢNG SỐ (bao gồm cả cả nền tảng dành cho các nhà phát triển và nền tảng dùng chung) kết hợp cùng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp số nhanh chóng tạo dựng các hệ sinh thái số cho Việt Nam đặc biệt trong các ngành trọng điểm ưu tiên chuyển đổi số.
Như vậy, đối tượng bình chọn và công nhận Giải thưởng Sao Khuê 2021 sẽ bao gồm 06 nhóm:
- Nhóm 1: Các sản phẩm, giải pháp số (bình xét theo 21 lĩnh vực ứng dụng chuyên ngành)
- Nhóm 2: Các nền tảng chuyển đổi số cho mọi lĩnh vực
- Nhóm 3: Các giải pháp công nghệ mới cho mọi lĩnh vực, có ứng dụng các công nghệ AI, IoT, Big Data, Cloud, BlockChain, RPA, VR, AR, XR, in 3D…
- Nhóm 4: Các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số (không phân biệt lĩnh vực ứng dụng, được thương mại hóa chưa quá 3 năm.
- Nhóm 5: Các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới: không phân biệt lĩnh vực ứng dụng, đã chính thức phát hành ra thị trường nhưng chưa quá 12 tháng tính đến ngày đăng ký tham gia, đã có doanh thu và hoặc đã có người sử dụng.
- Nhóm 6: Các dịch vụ CNTT, chia theo 09 lĩnh vực dịch vụ chuyên ngành