Công nghệ thông tin – ngành “vàng” trong thời đại số

02-12-2015 11:59

Theo quy hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 thì Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành mũi nhọn. Đứng trước nhu cầu xã hội ngày một cao, ngành CNTT đang là điểm dừng chân của rất nhiều bạn trẻ.

Nhìn nhận lại về “ngành vàng”

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, thấy rõ định hướng phát triển kinh tế đất nước đối với ngành CNTT: “Thế kỉ này là của ngành CNTT, nó là hạ tầng của hạ tầng, cần trong tất cả các ngành về kinh tế, từ công nghiệp, thương mại đến các vấn đề về du lịch, giải trí”.

Thống kê của Bộ Thông tin - Truyền thông, đến năm 2020, nhân lực trong lĩnh vực IT mỗi năm tăng 13%. Theo đó, lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam cần đến 1 triệu lao động hoạt động. Song song đó, một sự ưu ái khác của thị trường lao động đối với ngành này là thực tế các cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây đã minh chứng, nhân lực thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin là một trong những ngành ít chịu sự tác động nhất.

Tiền lương của người làm trong ngành CNTT so với mức lương trong xã hội hiện nay cao hơn hẳn, một người vừa tốt nghiệp ngành này có thể đạt mức lương tối thiệu 7-8 triệu/ tháng, chưa kể cơ hội trong ngành cao, môi trường việc làm tốt, văn hóa hợp tác được mở rộng.

Vậy trước khi quyết định đặt chân lên mảnh đất đầy màu mỡ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về ngành nghề công nghệ thông tin nhiều tiềm năng này để có được những nhận định và đánh giá chuẩn xác nhất cho con đường mình sẽ đi.

Công nghệ thông tin là gì?

Công nghệ thông tin, viết tắt CNTT, (tiếng Anh: Information Technology hay là IT) là ngành ứng dụng công nghệ quản lý và xử lý thông tin

CNTT là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền, và thu thập thông tin. Người làm việc trong ngành này thường được gọi là dân CNTT (IT specialist) hoặc cố vấn quy trình doanh nghiệp (Business Process Consultant) 
Ở Việt Nam: Khái niệm CNTT được hiểu và định nghĩa trong nghị quyết Chính phủ 49/CP kí ngày 04/08/1993: Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.
Trong hệ thống giáo dục Tây phương, CNTT đã được chính thức tích hợp vào chương trình học phổ thông. Người ta đã nhanh chóng nhận ra rằng nội dung về CNTT đã có ích cho tất cả các môn học khác.
Với sự ra đời của Internet mà các kết nối băng tần rộng tới tất cả các trường học, áp dụng của kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về CNTT trong các môn học đã trở thành hiện thực.

Học CNTT ra trường làm gì?

CNTT ngày càng trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ nhiệt huyết, yêu thích lĩnh vực công nghệ. Muốn tạo nên sự khác biệt tích cực cho thế giới thì CNTT là một trong những con đường lựa chọn đúng đắn của bạn bởi CNTT ngày nay là công cụ quan trọng không thể thiếu trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.
Cơ hội việc làm của Công nghệ thông tin cho bạn rất nhiều lựa chọn hấp dẫn :

Lập trình viên: Công việc chính của lập trình viên là sử dụng những công cụ và ngôn ngữ lập trình để phân tích, thiết kế, tạo ra những phần mềm, website, trò chơi cung cấp cho thị trường. Đây là nghề đang phát triển mạnh ở nước ta và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Các công ty phần mềm nghiên cứu, xây dựng, phát triển và cung cấp các phần mềm, các ứng dụng xây dựng website, games v.v… cho thị trường là điểm đến của các lập trình viên.

Chuyện viên chế tạo, lắp ráp và sửa chữa phần cứng: Những người làm trong lĩnh vực này có khả năng chế tạo, sửa chữa hay lắp ráp, lắp đặt các thiết bị, linh kiện của máy tính như ổ cứng, bo mạch, bộ vi xử lý. Các công ty sản xuất, lắp ráp và sửa chữa thiết bị phần cứng đang hứa hẹn một nền công nghiệp hùng mạnh trong tương lai.

Chuyên viên thiết kế giải pháp tích hợp: Công việc này đòi hỏi các chuyên gia phải am hiểu cả phần cứng và phần mềm, có khả năng thiết kế các giải pháp trọn gói cho một công ty, tổ chức về cả phần cứng lẫn phần mềm, dựa trên yêu cầu cụ thể. Họ làm nhiệm vụ tại các công ty cung cấp giải pháp tích hợp hiện đang trên đà phát triển tại Việt Nam.

Chuyên viên quản trị hệ thông và an ninh mạng: Ngày nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, tổ chức đều có hệ thống máy vi tính kết nối mạng. Người làm công tác quản trị hệ thống và an ninh mạng có nhiệm vụ bảo đảm cho hệ thống vận hành suôn sẻ, giải quyết trục trặc khi hệ thông gặp sự cố, đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu. Trong lĩnh vực này, bạn sẽ làm việc tại các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng, các cơ quan, doanh nghiệp v.v…

Ngoài ra, người học ngành CNTT cũng có thể tham gia giảng dạy và nghiên cứu về công nghệ thông tin tại các trường đại học, các cơ sở đào tạo….


 

Học ngành CNTT làm việc ở đâu?
Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin bạn có thể làm việc tại:
- Các công ty, tập đoàn về công nghệ thông tin;  
- Các công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng;
- Các công ty cung cấp giải pháp tích hợp;
- Các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng;
- Bộ phận Quản trị, bộ phận IT tại các công ty, kể cả công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ và các lĩnh vực khác như ngân hàng, y tế, giáo dục, giải trí...
- Giảng viên các trường đại học, cao đẳng, học viên, trung tâm có đào tạo Công nghệ thông tin.

Tôi cần gì để theo đuổi ngành CNTT?

Để đứng vững trong ngành CNTT, các bạn cần kiến thức cơ bản về môn khoa học tự nhiên, tư duy logic, sở thích sáng tạo tìm tòi cái mới. Riêng các bạn học về thiết kế web không đòi hỏi tư duy cao, nhưng cần có độ thẩm mỹ, cảm nhận vấn đề một cách lãng mạn.

Tính chính xác là yêu cầu bắt buộc của mọi khoa học, cả khoa học về công nghệ máy tính. Trong quá trình xây dựng một ứng dụng, một phần mềm, nếu xảy ra một sai sót nhỏ, toàn bộ chương trình sẽ không thể vận hành như mong muốn. Do đó, bạn cần trau dồi tính chính xác trong từng chi tiết của công việc.

Thế giới số luôn thay đổi và không ngừng phát triển, những kiến thức hôm nay có thể trở nên lỗi thời vào ngày mai. Do vậy, bạn phải liên tục tìm hiểu thông tin, trau dồi kiến thức để bắt kịp tốc độ phát triển của lĩnh vực này.

CNTT ngành nghề mang tính toàn cầu vì các sản phẩm công nghệ và internet có mặt trên khắp thế giới. Để trở thành một chuyên gia CNTT, bạn phải khá thành thạo ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu các vấn đề, thông số chuyên môn để tiếp cận, cập nhật thông tin công nghệ. . Nếu là người thành thạo tiếng Anh, đáp ứng tốt nhu cầu giao tiếp xã hội và xử lý vấn đề chuyên môn thì bạn đang có trong tay một lợi thế lớn. Một yêu cầu không thể thiếu, đó là niềm đam mê với nghề. Với niềm yêu thích sẵn có, bạn sẽ có động lực để vượt qua áp lực căng thẳng của công việc. Bạn sẽ không cảm thấy chán nản khi phải ngồi hàng giờ bên máy vi tính để viết một phần mềm, và càng không ngại ngần khi đầu tư hàng tháng trời để hoàn thành công trình nghiên cứu công nghệ.

Vàng hay than?

Là vàng hay than thì một phần quan trọng là sự nỗ lực của chính bản thân bạn. Không thiếu những cử nhân ngành này ra trường vẫn thất nghiệp. Do đó, một khi xác định được niềm đam mê của mình, bạn hãy tập trung 100% sức lực và nhiệt tình của mình vào quá trình nghiên cứu và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn để có thể sống cùng nghề. 

Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã chọn.

Ban Truyền thông ITPlus

Bài viết cùng chủ đề

1