4 bước tránh xung đột chuyện chọn trường chọn ngành

16-12-2015 11:59

Nếu bạn đang được bố mẹ ủng hộ hết mình trong việc lựa chọn ngành nghề, thì xin chúc mừng, bạn không cần phải đọc những nội dung tiếp theo của bài viết.

Nếu bạn đang có những trận tranh cãi nảy lửa với bố mẹ, không tìm được tiếng nói chung trong việc chọn ngành học cho bản thân, hãy dành ra vài phút, chúng tôi sẽ giúp bạn giải quyết tình trạng này.

Chỉ mất vài phút đọc và thực hiện. Điều này quyết định tương lai của bạn, tại sao không?

Vì sao bố mẹ không muốn tôi học trường đó?

Rất đơn giản, đó là vì bạn không có tiếng nói trong gia đình. Bạn hãy đặt ngược câu hỏi lại với bản thân xem những hành động từ trước đến giờ của bạn đã khiến bố mẹ hoàn toàn yên tâm hay chưa? Bạn chưa từng cố gắng để xây dựng hình tượng một người con chu đáo, biết suy nghĩ và có thể lo liệu mọi vấn đề cá nhân.

Mỗi sáng bạn đều phải để mẹ đánh thức dậy thay vì tự giác. Mẹ bạn luôn là người chuẩn bị bữa sáng, giặt đồ, và giục bạn học bài.

Bạn gào lên mỗi khi có điều gì đó không vừa ý bạn.

Bạn bỏ ăn uống, biểu tình không đi học để đạt được điều bạn muốn từ bố mẹ.

Những hành động đó, chẳng những không giúp bạn đạt được mục đích, mà khiến bạn trở thành một đứa trẻ thiếu suy nghĩ trước mặt người lớn. Một điều chắc chắn là bố mẹ sẽ không thể tin tưởng bạn đủ nhiều để bạn có thể tự mình quyết định con đường đi của chính bạn.

Tôi phải làm gì?

Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra trong đầu bạn, rằng bạn phải làm gì để có thể khiến bố mẹ chấp thuận. Chắc chắn bạn không thể đến khi 17,18 tuổi, gặp phải sự phản đối quyết liệt của bố mẹ, mới bắt tay vào xây dựng hình tượng con ngoan trong mắt người lớn. Niềm tin luôn cần phải được xây dựng trong thời gian dài.

Vậy thì khi đã nhận ra vấn đề ở một thời điểm khá trễ, tôi có một vài lời khuyên dành cho bạn.

1. Hãy chỉ ra cho bố mẹ thấy năng lực của bản thân bạn phù hợp với ngành nghề bạn lựa chọn.

Bạn thích thiết kế, có năng khiếu vẽ vời, hãy thử cho bố mẹ xem qua một vài tác phẩm của bạn, kèm theo nhận xét khá uy tín từ thầy cô. Chắc chắn bố mẹ bạn sẽ phải ngạc nhiên.

2. Hãy cho bố mẹ thấy, bạn hiểu về nghề mình sẽ làm, bạn đã tìm hiểu kỹ, chứ không phải nhất thời bồng bột

Vì thích thiết kế, thích vẽ vời, có khả năng sáng tạo tốt, bạn muốn làm chuyên viên thiết kế đồ họa chuyên nghiệp. Vậy bạn hiểu biết gì về ngành thiết kế đồ họa. Hãy thu lượm những tài liệu trên sách báo về những khái niệm trong ngành, những đòi hỏi của ngành, và những vị trí công việc bạn có thể làm sau này. Đừng quên là cho bố mẹ thấy bạn đã hỏi ý kiến của những người có uy tín đang làm trong nghề. Bạn chỉ cho bố mẹ thấy bạn thấu hiểu cả khó khăn và cơ hội của nghề bạn muốn làm.

3. Cam kết, hãy đưa ra lời cam kết với bố mẹ. Khi bạn được sự đồng ý bạn sẽ làm gì?

Sau 1 năm, con sẽ không xin tiền bố mẹ nữa. Hay mặc dù ghét rửa bát, nhưng bạn cam kết rửa bát và làm việc nhà trong 1 năm. Và bạn sẽ không bao giờ để mẹ phải dọn phòng thay cho bạn nữa….

Có rất nhiều cam kết có thể thấy được hiệu quả trong vòng 1 vài ngày hay 1 tuần. Giờ thì hãy lên danh sách những việc bạn sẽ làm nào.

4. Kiên trì

Kiên nhẫn và kiên trì là điều cuối cùng. Hãy thực hiện cam kết trong ít nhất 1-2 tuần, để bố mẹ thấy được sự khác biệt của bạn. Dù trong thời gian đó bố mẹ có nói gì, điều cấm kỵ là cãi lại. Hãy đợi đến khi bạn đủ bình tĩnh để từ tốn nói chuyện với bố mẹ. Bố mẹ chắc chắn sẽ có cái nhìn khác về bạn.

Đi tìm tiếng nói chung giữa bố mẹ và con cái là điều không bao giờ dễ, nhưng nếu bạn biết cách, chúng sẽ rất dễ. Bố mẹ của cô bạn tôi không bao giờ can thiệp vào bất kỳ chuyện gì cô ấy làm, vì những quyết định của cô ấy đều đem đến những kết quả tốt, khiến bố mẹ hài lòng. Kể cả khi bạn tôi gặp thất bại, thì thái độ bình tĩnh đối diện và học hỏi từ thất bại khiến bố mẹ cô ấy đánh giá cao hơn tất thảy những thành công khác.

Người khác có thể làm được, tại sao bạn không thể?

Ban Truyền thông ITPlus

Bài viết cùng chủ đề

1