- Trang chủ
- Giới thiệu
- Du học
- Đào tạo ngắn hạn
- Đào tạo chuyên sâu
- Tin Tức
- Học viên
- Blog
- Tin THPT
- Liên hệ
Chọn cho mình một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai. Việc chọn nghề thực sự quan trọng và vô cùng cần thiết. Chọn sai lầm một nghề nghĩa là đặt cho mình một tương lai không thực sự an toàn và vững chắc
Không phải ai cũng có thể trả lời được câu hỏi: Làm thế nào chọn được một nghề phù hợp. Chính những nghĩ suy và trăn trở rằng tôi có phù hợp nghề này hay không, tôi có thực sự yêu thích nghề này hay không, nghề này có tương lai hay không… là những vấn đề cần được giải quyết khi bắt đầu quá trình chọn một nghề phù hợp.
Trước nhất, cần phải vượt qua sự tác động của những tư tưởng và quan điểm chưa thực sự đúng đắn và hợp lý khi chọn nghề:
- Chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, người khác.
- Chọn nghề theo chuẩn của nhóm, của bạn bè và của người yêu.
- Chọn nghề may rủi
- Chọn nghề chỉ ở bậc Đại học.
- Chọn nghề theo “mác”, theo “nhãn”.
- Chọn nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền.
- Chọn nghề “gấp, rút” mà không có sự kiên nhẫn, hy sinh
- Chọn nghề không nghĩ đến những điều kiện có liên quan như: điều kiện kinh tế cá nhân hoặc gia đình, thời gian học nghề, tuổi thọ của nghề, đầu ra của nghề…
Thứ đến, muốn chọn nghề phù hợp thực sự, cần phải chú ý thực hiện thật tốt các khâu trong quá trình hướng nghiệp. Không thể chờ đợi việc được hướng nghiệp mà bản thân mỗi người phải thực hiện sự tự hướng nghiệp cho chính mình bằng những nỗ lực tốt nhất có thể có của cá nhân
Để chọn nghề phù hợp nhất thiết mỗi cá nhân cần phải
1.Tìm hiểu nhiều nhất có thể có về những ngành nghề trong xã hội.
Trong mỗi ngành nghề, ít nhất là phải biết yêu cầu về nghề, triển vọng nghề nghiệp, mức lương, thị trường lao động… Ngoài ra, phải tìm hiểu cả môi trường làm việc, những thách thức nghề nghiệp, những khó khăn và thuận lợi trong nghề nghiệp…
Điều này chỉ được thực hiện khi cá nhân tìm được hoặc tiếp cận được bảng họa đồ nghề hoặc chí ít là những thông tin cần thiết về nghề qua một hướng dẫn nào đó
- Tên nghề và những chuyên môn thường gặp trong nghề.
- Nội dung và tính chất lao động của nghề
- Những điều kiện cần thiết để tham gia lao động trong nghề
- Những chống chỉ định y học.
- Những điều kiện đảm bảo cho người lao động khi làm nghề.
- Những nơi có thể học nghề.
- Những nơi có thể làm việc sau khi học nghề.
Bên cạnh đó, việc quan tâm và tìm hiểu thật kỹ về dấu hiệu cơ bản của nghề là điều quan trọng. Nhất thiết, muốn chọn nghề phù hợp thì mỗi cá nhân phải tìm hiểu về đối tượng lao động, công cụ lao động, điều kiện lao động.
2.Tìm hiểu về chính bản thân mình để hướng đến việc tìm nghề phù hợp.
Phải trả lời thật chính xác những câu hỏi cơ bản nhất về chính mình cũng như những vấn đề tâm lý có liên quan: Tôi là ai, tôi cần gì và muốn gì, hạnh phúc với tôi là gì… Tất cả những câu hỏi này được thực hiện một cách nghiêm túc nhằm bước đầu định hướng cho việc tìm hiểu bản thân và để xác lập định hướng cuộc sống của chính mình
Nhất thiết phải đánh giá thật chính xác về phẩm chất nhân cách và năng lực của mình. Việc tìm hiểu về năng lực của cá nhân như chỉ số IQ, CQ, EQ hay những khả năng cụ thể khác như sắc giác, chú ý (sức tập trung, sức phân phối…), quan sát, tư duy không gian, trí nhớ sơ đồ, tưởng tượng sáng tạo, ngôn ngữ… là những yêu cầu tối quan trọng. Điều này có thể thực thi thông qua một số bài tập, một số trắc nghiệm. Tuy vậy, điều quan trọng không kém là phải xác định thực sự được khả năng học tập và khả năng thi tuyển của cá nhân. Khả năng này là khả năng triển vọng chứ không phải là điểm số thực tế học tập. Đôi lúc, phải có ước mơ, phải có nỗ lực và sự kiên nhẫn chờ đợi, rèn luyện…
Tìm hiểu những đặc điểm tính cách, khí chất… của cá nhân cũng là một việc làm không kém phần quan trọng. Cá nhân phải biết mình là người có khí chấc cách như: Biết kiềm chế, trung thực, bảo mật, gan dạ, dũng cảm, cẩn thận… để hướng đến những nghề phù hợp trong lược đồ.
Chính cá nhân phải xác lập cho mình một suy nghĩ thật sự nghiêm túc: nghề mình yêu thích và những nghề có thể chấp nhận khi không có điều kiện lựa chọn cho bản thân
Việc tìm hiểu chính bản thân về phương diện năng lực và phẩm chất sẽ giúp cá nhân so sánh chính mình với yêu cầu của lược đồ nghề nghiệp để chọn nghề hoặc chọn nhóm nghề phù hợp nhất. Lưu ý rằng đây phải là chọn nhóm nghề chứ không chỉ là chọn khối thi
Bản thân người chọn nghề muốn tìm đến sự phù hợp cao nhất có thể có là không thể tự thân vận động đơn độc mà rất cần có sự hỗ trợ của một số chuyên viên tư vấn hướng nghiệp hoặc một số người thực sự có kinh nghiệm hướng nghiệp – chọn nghề.
Bên cạnh đó, nên tranh thủ nhiều nhất những điều kiện đang có để tìm hiểu thêm thực tế nghề nghiệp qua một số cá nhân đang làm nghề, tham quan thực tế nghề nghiệp, “thử “ đến về nghề… để có những định hướng hợp lý nhất và có thể điều chỉnh khi phù hợp. Chính 3 khâu: nhận thức về nghề, thái độ về nghề và xu hướng hành vi về nghề sẽ quyện chặt vào nhau và giúp cá nhân chọn nghề đúng đắn nhất, thích hợp nhất.
Chọn nghề phù hợp đòi hỏi nhiều yêu cầu khác nhưng nếu thực hiện được bước đầu những yêu cầu trên thì việc chọn nghề sẽ giảm thêm được nữa sự cảm tính, sự tổn hao của cá nhân – xã hội. Quan trọng nhất là người chọn nghề tự tin, thoải m ái và chắc nịch tuyên bố ngầm rằng: Mình sẽ và phải làm tốt lựa chọn của mình! Sự phù hợp chỉ là trên lý thuyết nếu như cá nhân chọn nghề không tích cực họat động và trải nghiệm. Không thể có sự phù hợp khi chọn nghề nếu như cá nhân không biết định hướng và có ý chí.
Nguồn: Sưu tầm