Nghề thiết kế - kiếm tiền nhanh, thất nghiệp nhanh

24-10-2015 11:59

Theo ITPlus Academy – Viện CNTT – Đại học Quốc gia Hà Nội, số lượng người đăng ký học các lớp chuyên đề về Thiết kế đồ họa ngày càng tăng. Bởi trong con mắt nhiều người, đây là ngành hot lại dễ xin việc. Sự thật có phải như lời đồn?

Kiếm tiền ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Đây là đặc thù được coi là ưu tiên của ngành này, bạn vẫn có thể lên lớp đều đặn như tất cả các ngành khác, mà vẫn có thể nhận các đơn hàng thiết kế, vừa là để luyện tay nghề, vừa có thể kiếm thêm thu nhập. Bạn Lâm Tùng, đang là sinh viên năm 2 khoa CNTT trường ĐH Công nghiệp HN chia sẻ: “Mình thường nhận một vài vụ nhỏ , tranh thủ làm trong những tiết trống hoặc những giờ học quá chán, trước giờ chưa phải xin tiền tiêu vặt của bố mẹ”.

Một mẻ bắt cá lớn

Vì tính chất công việc, nên người làm ngành thiết kế hoàn toàn có thể hiểu được, chỉ cần một đơn hàng có giá trị, vài tháng sau bạn thậm chí không phải làm việc. Vì nguồn thu từ đơn hàng đó đã quá đủ chi trả cho cuộc sống của bạn trong vài ba tháng tới. Bạn Hoàng, cựu học viên của ITPlus – viện CNTT – ĐH Quốc Gia Hà Nội cho biết thi thoảng bạn có được những đơn hàng trị giá mấy chục triệu đồng.

Một chân đôi ba thuyền

Một người thiết kế hoàn toàn có thể là nhân viên của vài ba doanh nghiệp, bởi ngành này không cần bạn nhất định phải có mặt ở văn phòng 24/24. Đây là một lợi thế mà không phải ngành nào cũng có được. Chính vì vậy, tiền của bạn có thể tăng lên theo cấp số nhân, miễn là bạn chịu được áp lực công việc, và có khả năng.

Leo dốc lâu, mà xuống dốc thì nhanh

Bạn bỏ ra cả một đống tiền để theo học ngành Thiết kế, bất chấp có phải đam mê hay không. Tuy nhiên, bạn lại thất nghiệp, không có công ty nào chịu tuyển dụng bạn. Thế thì đó là lúc bạn cần xem lại về năng lực thực sự của mình. Là ngành hot trong các ngành hot, nhân lực Thiết kế ra trường nhiều như nấm sau mưa, nếu giỏi, bạn có thể có thu nhập cả nghìn $, nếu không giỏi thì chỉ 1 đồng bạn cũng không kiếm được.

Ngồi mát ăn bát vàng?

Xin thưa là không có đâu, bạn phải có thương hiệu cá nhân tốt thì khách hàng mới tìm đến bạn. Còn nếu bạn không phải thiên tài, cũng không chịu khó tìm khách hàng thì hãy chấp nhận hạ thấp tiêu chuẩn làm giàu xuống.

Tài năng thôi ư? Chưa đủ!

Nếu bạn là một người có đầy đủ các khả năng cần thiết của một nhân viên thiết kế có tiềm năng, tuy nhiên bạn lại giữ tác phong lề mề, thái độ “lồi lõm” thì dù bạn làm ngành gì cũng thất nghiệp.

Bạn sẽ phải có tinh thần thép cực kỳ cao, bởi để làm ra một sản phẩm ưng ý, bạn hẳn đã phải nghĩ “nát óc”. Tuy nhiên, nếu khách hàng không có cùng cảm quan giống như bạn, bạn sẽ lại phải “nát óc” tìm cách chỉnh sửa để chiều theo đúng yêu cầu của các Thượng đế.

Nhiều chuyên viên thiết kế đồ họa, sau một thời gian đi làm cho các công ty, doanh nghiệp, tổ chức, đã không chịu được áp lực, bị mài mòn tính sáng tạo để gò ép theo những yêu cầu của thực tế của ông chủ của bạn. Bạn Thông, nhân viên phòng thiết kế của Công ty TNHH TM BOO chia sẻ: “Thật sự, nhiều khi mình cảm thấy mẫu thiết kế do chính mình làm ra chẳng có chút nghệ thuật nào, nhưng vì ở trên order xuống như thế, mình bắt buộc phải làm theo cho xong”.

Nếu bạn ngừng học hỏi, chắc chắn bạn sẽ tụt hậu. Bạn có thể làm việc 5 năm ở một công ty Thiết kế có tiếng, bạn đã từng tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá trị, mang đến lợi nhuận cũng như danh tiếng không nhỏ cho công ty. Tuy nhiên, nếu không thường xuyên trau dồi, tiếp cận xu hướng mới thì chắc chắn là một đối thủ của bạn, vừa tốt nghiệp ra trường cũng có thể đánh gục bạn.

Khi bạn mới ra trường, nếu bạn không phải là một người thực sự có năng lực, thì vấn đề xin việc của bạn chắc chắn sẽ rất khó khăn. Bạn sẽ khó có thể cạnh tranh với những người có năng lực, có kinh nghiệm, và thậm chí cả những người năng lực chỉ bằng bạn, nhưng kinh nghiệm họ hơn bạn.

Một khi đã có đủ phẩm chất cá nhân thì ngồi nhà cũng được, đi làm cũng được, không bao giờ bạn phải lo thất nghiệp, tiền vào túi như nước.

Đừng học một nghề chỉ vì nó là nghề hot, nghề hái ra tiền. Cũng đừng học để bằng bạn bằng bè. Sự thật chứng minh, trong ngành này mà không có đam mê và kiên trì với sự lựa chọn của mình thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải.

Nếu bạn chưa chắc về khả năng của mình, hãy trau dồi thêm, hãy tham gia các khóa học, các dự án thực tế, để phát hiện ra tiềm năng của mình và tìm đúng hướng đi. Bạn sẽ không thể biết được cuối con đường có những gì nếu bạn không thực sự bước đi. Đừng chần chừ, hãy bắt tay vào hành động!

Ban Truyền thông ITPlus

Bài viết cùng chủ đề

1