- Trang chủ
- Giới thiệu
- Du học
- Đào tạo ngắn hạn
- Đào tạo chuyên sâu
- Tin Tức
- Học viên
- Blog
- Tin THPT
- Liên hệ
Mùa thi đại học đã cận kề. Bạn trẻ lớp 12 đang háo hức đi tìm câu trả lời cho bản thân: chọn nghề gì đây, chọn trường nào đây ? Một câu hỏi không dễ gì trả lời, và trả lời đúng hay sai có khi phải nhiều năm, có khi đến cuối đời mới biết được.
Khi đó thì khó tránh cảm giác hối tiếc cho thời gian, tiền của, cơ hội đã vuột đi. Để giúp bạn trẻ biết cách cân nhắc, lựa chọn trường thi, ngành thi phù hợp với mình, mong bạn hãy suy nghĩ chín chắn để tự trả lời 5 câu hỏi lớn sau đây rồi mới đặt bút ghi nguyện vọng thi.
1. Trường đó, ngành đó ra sao? (trường ở đâu, ai cấp bằng, tiếng tăm ra sao, đầu ra như thế nào; nội dung, đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề đó đối với người học là gì?)
Tài liệu của Bộ GD-ĐT xuất bản hằng năm không thể cho biết đầy đủ về những nội dung trên vì chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu mã số, môn thi, chỉ tiêu tuyển sinh và địa điểm của trường. Có một thanh niên học 12 năm phổ thông cũng khá, khi thi vào đại học đã theo lời khuyên của cha mà chọn Trường Đại học Hàng hải. Anh đạt được mức điểm đi học ở nước ngoài và qua đó học cũng không tồi. Đến một hôm, anh gặp một tình huống thực hành: nhà trường đem tàu đưa sinh viên ra cách xa bờ, phát cho mỗi người một cái phao và yêu cầu nhảy xuống, tự bơi vào bờ. Anh này xoay xở riết rồi cũng bơi tới bờ nhưng bị "tởn tới già". Anh đành phải nộp đơn xin chuyển trường luôn vì tự thấy mình không thể nào thích hợp với cái nghề sông biển tưởng oai mà kinh khủng đến như vậy. Chuyển sang học nghề bảo hiểm, anh ra trường và công tác rất tiến bộ. Giá như sớm biết các thông tin về yêu cầu mà ngành hàng hải đòi hỏi đối với các thuyền trưởng tương lai thì chắc anh đã sớm chọn nghề khác rồi.
Để tìm được thông tin cần thiết, để nắm phần nào "lai lịch" của đối tượng mình nhắm chọn, trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta có thể dự các buổi nghe các trường đại học, cao đẳng tự giới thiệu, các hội chợ tìm việc làm hoặc tự đi tìm hiểu trên cơ sở hỏi thăm người trong nghề. Đến các trung tâm tư vấn hướng nghiệp để hỏi là việc rất nên làm, chỉ tiếc là khó có dịp; đây có thể xem là khoản mà ngành giáo dục đang "nợ" học sinh phổ thông. Hy vọng là các nhà sư phạm sẽ sớm có công trình đáp ứng phần nào nhu cầu chính đáng này của người chọn ngành nghề.
2. Ta có yêu, có thực sự hứng thú với ngành nghề đó không, vì lẽ gì ?
Đây là câu hỏi rất quan trọng và nếu trả lời là "có" thì bạn nên cầm bút liệt kê lý do mình yêu thích nó. Có những ngành mình yêu thích mà khi phải liệt kê các lý do, tự ta sẽ phát hiện là nhiều hoặc tất cả lý do đều không cơ bản tí nào. Khi đó, bạn hãy cảnh giác với sự lựa chọn của mình.
Quyết định gắn bó cuộc đời với một đối tượng mà mình chưa rõ lý do tại sao mình yêu thích, hoặc vì một lý do không cơ bản luôn là một quyết định tiềm ẩn khả năng đổ vỡ sau này. Đành rằng có không ít trường hợp thành công nhờ "tin nhau trước, yêu nhau sau" nhưng bạn hãy cố gắng trả lời câu hỏi thứ hai này càng sâu sắc càng tốt. Bạn sẽ tránh được tình trạng đi vòng, thử và sai, sẽ tiết kiệm được nhiều năm tháng tuổi xuân quý báu và đẹp đẽ của mình.
Thiết kế và lập trình Web PHP chuyên nghiệp
Khóa học thiết kế vầ lập trình website PHP và My SQL chuyên nghiệp
Thiết kế giao diện Web với HTML - CSS - JavaScript
3. Ta có đáp ứng được yêu cầu của nghề đó, có thể khắc phục được sở đoản để sống lâu dài với nghề đó, bằng nghề đó hay không?
Đây là câu hỏi mà khi mới 19-20 tuổi, nhiều bạn không đặt ra hoặc nếu có đặt thì lại trả lời một cách hời hợt, thường là đánh giá không đúng mình. Có người quá chủ quan tự cho mình "dư sức", có người lại quá tự ti thấy mình không sao đáp ứng được yêu cầu của ngành nghề nào hết. Xin nhớ một nguyên tắc chung: cần nhìn ra sở trường lẫn sở đoản của mình. Ở đây, nếu bạn đã trả lời "có" đối với câu hỏi thứ hai đã nêu ở trên, hơn nữa tình yêu của bạn, hứng thú của bạn đối với ngành nghề đã nhắm chọn là thật sự lớn lao thì bạn có nhiều hy vọng khơi dậy được các tiềm năng, khắc phục được các sở đoản của mình để thích ứng với nghề, để tiến bộ lâu dài. Bởi hứng thú mạnh mẽ sẽ biến tiềm năng của bạn thành năng lực.
4. Sức học mình đến đâu so với người ta?
Đây là câu hỏi rất khó trả lời. Ta chỉ có thể phỏng đoán vì khó mà so được sức học của mình với sức học của những người sẽ chọn cùng ngành và trường với mình. Ở đây, các thông tin về điểm chuẩn tuyển sinh cùng hệ số chọi trong vài năm gần đây sẽ giúp bạn tự “định vị”, từ đó mà dự đoán xác suất đậu của mình (xin nhắc lại xác suất mà thôi) là cao hay thấp. Bạn hãy lưu ý một thực tế là tuy một số trường, ngành không có hệ số chọi cao nhưng những người đến thi đều là người học giỏi, toàn là "thứ dữ" hết nên điểm chuẩn vẫn cứ chót vót. Còn nếu bạn tự thấy mình quá yếu hoặc hoàn toàn không muốn đi học nữa thì tốt hơn là nên đi làm, đừng ghi tên thi làm chi.
5. Gia cảnh có cho phép không?
Câu hỏi này rất đáng được quan tâm đối với những bạn có gia cảnh khó khăn: nhà nghèo, ít có tiền chu cấp để ở và học tại những thành phố lớn có mức sống đắt đỏ; hoặc nhà cần có người sớm ra đi làm để phụ cha mẹ nuôi em... Có trường thời gian học kéo dài 5-6 năm, có trường đòi hỏi ít thời gian học hơn, học phí thấp hơn, ở gần nhà hơn,...
Sau khi suy nghĩ thật kỹ để trả lời 5 câu hỏi trên, bạn mới nên hạ bút: trước là chọn ngành, sau đó mới chọn trường (chọn đại học, cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp tùy theo trình độ của mình hoặc gia cảnh riêng). Như vậy, ngành sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt cách lựa chọn nguyện vọng của bạn bởi ngành đi liền với nghề. Đừng chọn trường cao đẳng hay trung học chuyên nghiệp với mục đích làm nơi tạm lánh để tranh thủ luyện thi vào đại học năm sau.
Những cách chọn nghề "nguy hiểm"
Thứ nhất là chọn nghề theo trào lưu: nhiều bạn trẻ cứ thấy các ngành nghề nào có chữ công nghệ thì cho rằng có tương lai rạng rỡ: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới. Thế là ào ào theo nhau ghi nguyện vọng vô những ngành đó cho vừa có... bạn quen, vừa có tiền đồ sáng sủa! Có bạn trẻ thấy làm ca sĩ ngôi sao được nhiều fan ngưỡng mộ, được trả cát-sê cao, thế là rủ nhau ghi nguyện vọng vào học khoa thanh nhạc ở trường nhạc, thậm chí ở các... "lò" ! Lối suy nghĩ rất trẻ con đó sẽ dẫn bạn đến thất bại, đến vỡ mộng.
Thứ hai là chọn cho xong chuyện: có bạn đến năm học cuối của đời học sinh phổ thông rồi vẫn chưa thấy có hứng thú gì với ngành nghề nào hết. Có bạn đã thực sự "sợ học", trong thâm tâm không còn muốn học tiếp mà muốn đi làm để có cuộc sống tự lập. Nhưng rồi sĩ diện với những bạn học còn kém mình nhưng cũng đăng ký dự thi đại học, rồi thì cha mẹ thúc ép, riết rồi bạn cũng đành chọn đại một vài nguyện vọng nào đó cho xong chuyện, khỏi phải suy nghĩ nhức đầu, đỡ bị "ông bà bô" cằn nhằn. Chọn nguyện vọng và đi thi trong tâm trạng như vậy thì chỉ phí... tiền mua bộ hồ sơ thi, phí thời gian.
ITPlus (ST)