Các trường tự chủ tổ chức tuyển sinh năm 2016

30-01-2016 11:59

KTĐT - Năm 2016, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) được tự chủ tổ chức tuyển sinh. Nhưng tổ chức thi thế nào, tuyển sinh ra sao là vấn đề nóng được đem ra bàn thảo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2014 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 - 2016 khối ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 22/10.

Phân hóa mạnh đề thi

Phải khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đạt được những thành công và thay đổi hoàn toàn về cách thức thi, tư duy tuyển sinh. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới không tránh khỏi những vấp váp. Bởi vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thông tin, sẽ có một số điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, tăng cường phối hợp, hỗ trợ của các trường ĐH.

Kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong kỳ thi quốc gia 2015. Ảnh: Phạm Hùng


Dự kiến, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 được tổ chức trong ba ngày (13, 14 và 15/6), tiếp tục được tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh. Tại hội nghị sáng 22/10, đã có 79 ý kiến góp ý với nhiều thông tin phong phú, trong đó tập trung vào nội dung tổ chức thi và xét tuyển sinh. PGS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đề nghị nên có những điều chỉnh phương án thi và tuyển sinh theo hướng tích hợp. Đặc biệc, chú ý điều chỉnh cấu trúc đề thi về độ phân hóa, phân giải cao hơn để có thể phục vụ cho kỳ thi đa mục đích, cũng như việc tăng quyền chủ động cho các đơn vị trong xét tuyển sinh.

Đi sâu vào nội dung đề thi, GS.TS Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng ĐH Vinh và GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề nghị đề thi cần phân hóa mạnh hơn. Với môn Ngoại ngữ nên bỏ phần thi tự luận vì gây lúng túng trong tổ chức và chấm thi. Hơn nữa, barem câu này chỉ có 2 điểm không đánh giá được toàn diện thí sinh. Có những ý kiến khác đề nghị thời gian tổ chức thi vẫn như năm ngoái, tức là các ngày đầu tháng 7 để bố trí được nhân lực làm thi, vì kế hoạch chung giảng dạy của các trường ĐH đều kết thúc vào 30/6. Trong khi đó, TS Lê Quang Minh – Hiệu trưởng ĐH FPT lại đề xuất không nhất thiết một năm chỉ có một kỳ thi THPT quốc gia mà có thể một kỳ thi tháng 6 và mấy tháng sau lại tổ chức một kỳ thi nữa. Cách làm này giãn được tải trọng, sự tập trung của xã hội và học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn. Việc nhập học cũng không nên quy định trong giai đoạn ngắn, mà mở rộng ra cả năm, để sinh viên có thời gian tham gia các hoạt động xã hội.

Chưa nên vội ấn định

Điều nhìn thấy rất rõ trong công tác xét tuyển sinh năm 2015 là trong số 30 trường ĐH có sức hút thí sinh (TS) mạnh, có nhiều trường quy định điểm xét tuyển đầu vào chỉ trên ngưỡng điểm đầu vào một chút. Việc này dẫn đến nhiều TS đổ xô nộp hồ sơ vào, rồi lại chen nhau rút ra, dẫn đến lộn xộn. Thậm chí, đến phút chót, có tình trạng TS đạt điểm cao cũng trượt ĐH. Để tránh tình trạng này và giảm tỷ lệ TS ảo, nhiều ý kiến đề nghị cần phân mức độ điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với từng top trường. Tới đây, khi phân tầng và xếp hạng các trường ĐH, những trường top trên phải quy định điểm chuẩn cao hơn. Phía các trường CĐ đang gặp khó trong tuyển sinh, đề nghị Bộ GD&ĐT chia khoảng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH và CĐ giãn rộng ra, thay vì 15 và 12 như năm nay.

Để giúp TS chọn đúng ngành nghề yêu thích, PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa – Hiệu trưởng ĐH Dược Hà Nội và NGƯT.TS Nguyễn Văn Bao – Hiệu trưởng ĐH Tây Bắc đề nghị cho TS đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Nếu sau khi thi, TS nào trúng thì làm thủ tục nhập học, TS nào trượt thì đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, 3 ở các trường ĐH khác. Tại hội nghị, cũng có những ý kiến đề nghị thời gian xét tuyển ngắn hơn 20 ngày, đẩy thời gian thi các môn buổi sáng sớm lên một giờ để các giám thị làm thi cũng như TS không cập rập trước ca thi buổi chiều.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị: Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần có những cuộc làm việc nghiêm túc, bàn từng vấn đề như thi cử, tự chủ ĐH, phân tầng, xếp hạng với sự tham gia của các bộ, ban, ngành liên quan, các tổ chức nghề nghiệp như các hiệp hội và những người trực tiếp làm công tác này.

Các khóa học của ITPlus

Khóa học lập trình Javacore

Khóa học lập trình ứng dụng di động Adroi chuyên

 

nghiệp

Khóa học lập trình Adroi cơ bản và nâng cao

Khóa học kiểm thử phần mềm Tester

ITPlus (ST)

Bài viết cùng chủ đề