Làm thế nào để hướng nghiệp hiệu quả?

30-11-2015 11:59

Tôi không còn nhớ nhiều về nội dung những buổi hướng nghiệp được tổ chức thời còn là học sinh cấp 3. Trong trí nhớ của tôi, đó là những buổi thư giãn thực sự ngoài những giờ học căng thẳng. Chúng tôi tụm năm tụm bảy lại một góc, đọc truyện, chém gió, chả thèm quan tâm các thầy cô bên trên đang nói gì. Một buổi hướng nghiệp như thế được tổ chức 1 lần/tháng, với sự tham gia của 14 lớp trong trường. Tóm lại chả khác gì cưỡi ngựa xem hoa.

Đã rất lâu rồi, tôi không còn được tham gia những buổi hướng nghiệp như thế nữa. Tôi cũng không rõ rằng liệu những buổi hướng nghiệp hiện nay có tốt hơn trước không. Nhưng có một thực tế là tình trạng ngồi nhầm chỗ vẫn diễn ra như cơm bữa. Tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp, làm trái ngành trái nghề chỉ tăng mà không có giảm. Vậy có thể đặt ra nghi ngờ về tính hiệu quả trong hướng nghiệp THPT tại Việt Nam? Chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

Người trong cuộc phải thực sự hiểu rõ

Trước hết để có thể hướng nghiệp tốt, thì điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là người định hướng. Nếu ngay cả các thầy cô, những người trực tiếp làm công tác hướng nghiệp cho các em học sinh THPT mà mù mờ về định hướng thì có một điều chắc chắn là công tác hướng nghiệp sẽ hoàn toàn thất bại. Không những là vô ích, tốn kém thời gian, tiền bạc, mà nguy hiểm hơn là sẽ phá hủy toàn bộ cuộc đời của một con người.

Do đó, trước khi hướng nghiệp, các thầy cô cần tìm hiểu rõ về định hướng, cách thức để phù hợp với đối tượng hướng nghiệp. Tất cả các thông tin cần cập nhật liên tục, đầy đủ và chính xác nhất.

Chia để trị

Một buổi hướng nghiệp với gần 1000 học sinh thì công tác hướng nghiệp không thể tốt được. Một thầy cô chỉ nên phụ trách từ 5-10 em, để có thể hướng dẫn những bước cơ bản nhất trong việc chọn ngành chọn nghề, từ việc tìm hiểu tính cách bản thân, phát hiện đam mê trong công việc, đến tìm ngành phù hợp với năng lực, duy trì đam mê của bản thân. Hơn nữa việc chia nhỏ cũng khiến chúng ta dễ quan sát tâm lý và biểu hiện của các em để có thể đưa ra những phán đoán và gợi ý chính xác nhất.

Người thật việc thật

Sẽ như thế nào nếu chúng ta chỉ nói lý thuyết suông mà không tiếp cận thực hành? Điều này có lẽ chúng ta đã được nghe quá nhiều. Chúng ta nghe nhiều về những học sinh Việt Nam thông minh, chăm chỉ nhưng thiếu tính chủ động và thiếu tính thực tế. Có nhiều cử nhân tốt nghiệp loại ưu nhưng vẫn không biết mình sẽ làm ngành gì, nghề gì.

Sẽ tốt hơn nếu một buổi hướng nghiệp có sự tham gia của những người nổi tiếng, những người cũng đã từng ở giai đoạn như các em, và đã vượt qua hoặc không vượt qua những khó khăn, tìm thấy đam mê hoặc không tìm thấy đam mê. Thậm chí là có thể mời chính những sinh viên cũ của trường đã tốt nghiệp, hiện nay đang là sinh viên hoặc đang công tác tại các vị trí công việc khác nhau. Các em thường thích nghe kể chuyện, hãy kể cho các em nghe về câu chuyện của chính cuộc đời mình, để từ đó đan cài những bài học nho nhỏ, giúp các em ý thức và định hướng rõ ràng hơn con đường mình phải đi sau này.

Thường xuyên, liên tục

Công tác hướng nghiệp không chỉ tổ chức một hai lần trong tháng mà cần có một quá trình thường xuyên và liên tục trong các giờ giảng, trong những tiết sinh hoạt cuối tuần và trong những buổi trò chuyện thân mật giữa thầy và trò, thậm chí nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh để có thể đưa ra đánh giá và định hướng tốt nhất.

Nếu bạn đang có con nhỏ, nếu bạn đang là người phụ trách công tác hướng nghiệp, hãy bắt tay ngay từ hôm nay, để con em bạn thực hiện những bài đánh giá về tính cách, để các em thấu hiểu hơn về bản thân mình. Đây là bước đầu tiên và quan trọng để các em tiến gần hơn ước mơ của mình.

Ban Truyền thông ITPlus

Bài viết cùng chủ đề

1