“Tôi” đã thành công như thế nào?

01-12-2015 11:59

Nếu thành công có một công thức chung thì em nghĩ công thức đó là gì?

Theo tôi, đó chính là đam mê kết hợp với lòng kiên trì, cùng phương pháp tự duy đúng cách.

Đam mê đánh đổ mọi chướng ngại

Người ta nói nhiều về đam mê như thể nó là một loại thuốc gây nghiện, khiến chúng ta hưng phấn. Em có thể không tin, nhưng em có để ý không, khi chúng ta nói về những điều chúng ta thích, ánh mắt của chúng ta long lanh hơn, chúng ta sẵn sàng nói hàng giờ đồng hồ không mệt mỏi, sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian để tìm hiểu.

Em sẽ chống chọi 8 tiếng ở văn phòng như thế nào khi em làm một công việc mà thậm chí một chút thích thú cũng không có. Thử tưởng tượng hàng ngày, em đến công ty, vật và vật vờ chỉ mong sao 8 tiếng trôi qua nhanh để em có thể được về nhà, vùi đầu vào những quyển truyện hay, những trò game yêu thích.

Steve Jobs khuyên rằng: “Hãy tìm kiếm nỗi đam mê đích thực của bạn. Hãy làm điều bạn yêu thích và tạo sự khác biệt! Cách duy nhất để đạt đến thành công tột bậc là yêu thích những gì bạn làm”.

Thất bại, liên tục thất bại

Em có tự hỏi những vĩ nhân mà em được đọc trong chương trình học, sách báo, tạp chí, vô tuyến,…làm thế nào mà họ thành công như thế? Có phải do tài năng bẩm sinh không? Và em tự nhủ rằng mình bẩm sinh đã không may mắn có được tư duy như họ, em chấp nhận một cuộc sống ở mức trung bình, thu nhập trung bình.

Thế thì tôi sẽ kể em nghe về câu chuyện của những người thành công, em sẽ thấy bản thân mình hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu như họ.

Khi còn đi học, các giáo viên của Thomas Edison đã nói với ông rằng ông “quá ngu ngốc để học bất cứ điều gì”. Ông cũng đã trải qua 1000 thí nghiệm thất bại trước khi phát minh ra bóng đèn sợi tóc đầu tiên trên thế giới. Em sẽ thấy một vài thất bại của mình chẳng đáng để khiến em tinh thần tụt dốc như thế.

Adam Khoo, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” có một tuổi thơ dữ dội hơn bất kỳ ai. Em đã từng bị đuổi học, từng không có một trường học nào dám nhận em chưa? Ấy thế mà Adam Khoo trước đây từng là một học sinh ngỗ ngược bất trị, là nỗi thất vọng lớn của cha mẹ. Bị đuổi học ở lớp 3; lên cấp 2, anh bị 6 trường trung học từ chối. Anh ấy rõ ràng không phải là một ngôi sao sáng từ thuở thơ ấu như em và nhiều người lầm tưởng.

Đã có thời điểm, tác giả nổi tiếng của bộ truyện Harry Potter, J. K. Rowling là một bà mẹ đơn thân thất nghiệp tuyệt vọng nuôi con nhờ tiền trợ cấp xã hội. Cô thậm chí còn vừa ôm con vừa viết tập truyện đầu tiên của Harry Potter trong một quán cà phê, vừa viết vừa ăn và cho con ngủ. Cuốn sách của cô đã bị từ chối bởi không dưới 12 nhà xuất bản.

Disney đã từng bị biên tập viên sa thải khi ông còn là một nghệ sĩ trẻ vì “thiếu ý tưởng hay” và “thiếu trí tưởng tượng”. Einstein đã từng bị coi là người chậm chạp. Steve Jobs đã từng bị Apple sa thải.

Tất cả họ đều đã từng thất bại, thậm chí rất nhiều thất bại trước khi đạt được thành công, được công chúng biết đến. Dưới ánh hào quang của họ, em có từng nhìn sâu hơn để thấy hết được những khó khăn mà họ trải qua. Điều quan trọng không phải là em gặp bao nhiêu thất bại mà em học được bao nhiêu bài học từ những thất bại đó.


Kiên trì đến cùng với mục tiêu của mình

Khi gặp phải một vài thất bại đầu đời, em có thể cảm thấy cả thế giới như sụp đổ, nhưng nếu hiểu bài học từ thất bại chính là bước đầu tiên trên con đường tìm kiếm thành công, thì em sẽ có cái nhìn tích cực hơn.

Khi gặp thất bại, thông thường con người sẽ có 3 cách phản ứng điển hình: ngụy biện cho thất bại của mình, đổ lỗi cho người khác, kêu ca phàn nàn. Đó là những cách dễ để khiến bản thân cảm thấy thoải mái, song làm vậy tức là họ không sẵn sàng chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình, và như thế họ sẽ không thu được bất kỳ bài học nào để tiến bộ.

Đối với người thành công, dù gặp phải chuyện gì, họ luôn chịu trách nhiệm về hành động của mình. Đối với họ thử thách là cơ hội. Nếu không tìm ra cơ hội, họ sẽ tự tạo ra cơ hội.

Không nản lòng khi bị sa thải, Steve Jobs đã thành lập một công ty mới mang tên NeXT và phát triển nó một cách vượt bậc, đến mức mà cuối cùng thì Apple đã phải bỏ tiền ra để mua lại. Theo đó, Steve Jobs quay trở lại và chứng minh khả năng của mình với rất nhiều phát minh vĩ đại giúp nâng tầm hình ảnh, đưa thương hiệu của Apple lên một tầm cao mới.

Sau hàng loạt lời từ chối từ các nhà xuất bản trong thời gian dài J.K.Rowling vẫn kiên trì sáng tác và gửi đến các nhà xuất bản với hy vọng tác phẩm của mình sẽ được chấp nhận. Mãi một thời gian dài sau đó, nhà xuất bản Bloomsbury đã đồng ý xuất bản cuốn truyện Harry Potter của cô. Cuốn truyện dành được nhiều lời khen ngợi và bán được rất nhiều bản thảo, giúp cho Rowling có thể tiếp tục viết tiếp những phần sau và trở thành người giàu có với số tài sản thậm chí còn nhiều hơn Nữ hoàng Anh. 

Những lần thử đầu tiên để lập ra công ty thiết kế phim hoạt hình ngắn của Disney đều thất bại. Thậm chí đã có thời điểm, ông bị mất một vài nhân viên và quyền sở hữu nhân vật hoạt hình vào tay Universal Pictures. Nhưng cuối cùng, sau một thời gian dài kiên trì với mục tiêu của mình, ông đã xây dựng được một đế chế giải trí khổng lồ với những nhân vật hoạt hình kinh điển nổi tiếng như vịt Donald và chuột Mickey cùng với những bộ phim đột phá như “Nàng Bạch Tuyết” hoặc “Người đẹp ngủ trong rừng”.

Câu chuyện về sự thành công Adam Khoo, anh chàng triệu phú ở tuổi 26 đã trở thành minh chứng cho việc nỗ lực không ngừng nghỉ, thành công sẽ đến với bất kỳ ai.

Em có thấy được em trong chính những câu chuyện ấy. Hãy tạo ra câu chuyện của chính mình ngay từ bây giờ. Khi em còn đang băn khoăn giữa những ngã rẽ ở tuổi 18, hãy thông minh chọn cho mình một con đường đúng, để từ đó gắng hết sức mình nuôi dưỡng ước mơ. Tôi tin thành công sẽ đến với em, rất sớm thôi.

Ban Truyền thông ITPlus 

 

Bài viết cùng chủ đề