Chăm chỉ, cẩn thận là chưa đủ mà còn cần nhạy bén trong tư duy

08-12-2016 11:59

Đó là nhận xét của cô Lưu Thị Hiền – Giảng viên Ngành thiết kế đồ họa tại Tổ hợp Giáo dục ITPlus trong buổi Seminar “Thiết kế đồ họa từ đào tạo đến thực tiễn” diễn ra tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

 

Tại buổi hội thảo, cô Lưu Thị Hiền đã có bài tham luận chia sẻ về việc học trong trường và làm việc tại thực tiễn xã hội. Là một cựu sinh viên Khoa Thiết kế đồ họa của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW, cô đã có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong 5 năm học tập tại trường và cô nhận thấy đối với Ngành thiết kế đồ họa, ngoài việc học các kiến thức thì còn phải có sự trải nghiệm thực tế, chăm chỉ, cẩn thận thôi là chưa đủ mà còn cần phải có sự nhạy bén trong tư duy. Dươi đây là bài tham luận của cô Lưu Thị Hiền trong buổi Seminar.

Kính thưa các thầy cô giáo và các bạn sinh viên. Tôi là cựu sinh viên của Khóa 1 ngành Thiết kế đồ họa của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW. Chín năm sắp trôi qua, 5 năm ngắn bó với ngôi trường, 4 năm đã rời xa tất cả, những trải nghiệm làm việc với nghề đồ họa, tôi xin chia sẻ vài tâm tư, cảm xúc của tôi sau từng đấy năm xa mái trường. Mới đây thôi mà đã 5 năm học trôi qua. 5 năm, quãng thời gian không dài và không ngắn của mỗi con người nhưng cũng đủ để mỗi thế hệ sinh viên chúng tôi gắn bó. Có những thứ ta có thể làm lại được, có một thứ ta không thể làm lại được. Thời gian đắt đỏ và quý giá vô cùng, những tháng ngày buồn vui, vất vả… Kỷ niệm đẹp hay không đều do cách nghĩ của bạn. Có yêu mới nhớ! Đi xa để trở về! Nhớ là để thương nhau nhiều hơn! Tôi đã đi và đã trở về sau 4 năm làm việc. Kí ức 5 năm học lại trở về nguyên vẹn, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, nhớ mái trường xưa!

Quá trình học tập:

Ai cũng có niềm tự hào riêng về ngôi trường mình học tập và trưởng thành. Bản thân tôi luôn tự hào, luôn hiện hữu những khoảng khắc ngọt ngào ấy. Chính năm như chỉ là ngày hôm qua thôi, vẫn là như thế không thể khác. Sinh viên chúng tôi hay ngồi “chém gió” với nhau, ngây ngô lắm, khờ dại lắm, tủi thân lắm, nhớ lắm, thương lắm. Chúng tôi là sinh viên Khóa 1, chúng tôi đang gặp khó khăn về định hướng, thiếu thốn mọi mặt. Thầy cô chúng tôi cũng như chúng tôi. Biết chúng tôi gặp khó khăn trong điều kiện như vậy nên thầy cô thương chúng tôi hơn, mắng mỏ, thúc ép bọn cứng đầu trong đó có tôi. Còn nhớ ngày đầu tiên học tập, bao nhiêu câu hỏi xuất hiện cùng một lúc. Bao giờ cho hết 5 năm? Tôi mặc cảm với tuổi tác, liệu có theo kịp được với các em? Tiếp xúc với các em đầy sức trẻ, thầy cô đầy nhiệt huyết, khoảng cách thời gian và tuổi tác bị quên dần, việc học vất vả đêm hôm vẫn theo nhịp rồi cứ từng kỳ nặng lẽ trôi qua. Có bài Hình họa vẽ toàn thân sơn dầu trong 3 ngày, nhưng do hoàn cảnh gia đình ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian, nên tôi vẽ trong một buổi, không nghỉ phút nào, lúc có mẫu vẽ hình, lúc mẫu nghỉ vẽ nền, cứ liên tục như vậy, cuối buổi chấm vì không muốn nợ bài. Tôi không muốn làm thầy cô khó xử, tôi chỉ nghĩ phải có trách nhiệm với chính việc học của mình, không ỷ lại, cảm thấy có thể cố được là làm ngay. Ngày chuẩn bị ra trường tôi và các bạn bâng khuâng lắm, luyến tiếc lắm, muốn học nữa, không muốn trưởng thành. Trông cứng rắn thế thôi chúng tôi dễ tủi thân, dễ rơi nước mắt khi cảm nhận sự chân thành của các bạn, thầy cô, đặc biệt những ngày cận kề bảo vệ, vất vả đêm hôm, lo cho trò còn hơn chính việc của trò, cũng vì thế mà sinh viên chúng tôi thấy gắn bó hơn, luôn nhớ mãi về hình ảnh đẹp đó.

Thời gian làm việc thực tiễn:

Sau một thời gian ra trường, tôi được nhận được email khá ấn tượng, yêu cầu giảng một bài 30 phút, thời gian chỉ có một ngày để chuẩn bị. Bài giảng được cung cấp, nhưng tôi đã từ chối và tự tin lấy bài giảng trích từ cuốn NCKH thời sinh viên ra giảng thật. Ngày đó, các thầy hỏi rất nhiều nhưng may mắn những kiến thức đó đã được học và nghiên cứu trong học tập rất thực tiễn ở trường. Những kiến thức đó chẳng ở đâu xa mà ở chính những bài giảng do thầy cô biên soạn và giảng dạy trực tiếp, dạy khi xem bài tập trong kỳ, cho đến khi tốt nghiệp đã được tích tụ lại. Sau gần 4 năm làm việc và giảng dạy, vấp váp trong công việc, những lần trải nghiệm đều không giống nhau, kinh nghiệm dần dần chuyển thành tự tin hơn trong công việc. Ngoài việc thành thạo các môn công cụ như Photoshop, Illustrator, In Design… người giảng dạy về thiết kế cần kiến thức rộng và sâu hơn nhiều, kiến thức đúng đắn để phù hợp với dự án thực tế, phù hợp với trình độ của từng sinh viên, phù hợp với văn hóa, trình độ thẩm mỹ của xã hội, khả năng sáng tạo trong thiết kế, khả năng lý luận, khả năng nghiên cứu và nâng cao chuyên môn.

Đôi lời nhắn nhủ:

Nhìn lại những năm tháng vất vả để trải nghiệm trong học tập và tự trưởng thành trong công việc, chồng chất những ngày khó khăn vất vả của bản thân, gần một năm công việc không như ý muốn, suýt gục ngã trước sức ép của công việc không phù hợp, gia đình lo lắng. Mọi mơ ước trong tôi dường như ngừng lại, nhưng tôi vẫn luôn tự nhủ: Hãy sống và làm việc bằng sự chân thành, đặt niềm tin vào phía trước, không cho phép mình gục ngã, tự mình phải nâng mình lên để cất cánh vì không còn cách nào khác.

Hiện giờ tôi đang là giảng viên ngành Thiết kế đồ họa tại Tổ hợp Giáo dục ITPlus, hạnh phúc nhất đó là được làm đúng với ngành học, được làm công việc yêu thích, được trải qua nhiều điều thú vị, băn khoăn, lo lắng cho sinh viên, cố gắng truyền nghề thiết kế, đưa sự trẻ trung và năng động trong bài giảng, làm các dự án thực tế, hướng dẫn sinh viên thi tay nghề thành phố,... được sinh viên đánh giá GPA sau môn học, về kỹ năng giảng dạy, kỹ năng sư phạm,....Những lời khen chê, những dòng cảm xúc yêu mến luôn là động lực để sửa mình, để truyền nhiệt huyết say mê cho các em.

 Các em sinh viên yêu mến! Nghề Thiết kế đồ họa liên quan đến nghệ thuật và kỹ thuật đòi hỏi phải học rất nhiều điều, học tập ở trường và công việc thực tế bên ngoài không khác nhau nhiều. Chăm chỉ, cẩn thận chưa đủ mà còn cần phải nhạy bén trong tư duy. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là sáng tạo đều do lao động mà có, nên các em hãy cố gắng thật nghiêm túc cho một sự khởi đầu của công việc và tương lai sau này nhé.

Thật đúng như thế, rời xa mái trường là để có ngày trở về, trở về là để thông cảm, yêu thương thầy cô và các em sinh viên nhiều hơn.

Ban truyền thông ITPlus

Bài viết cùng chủ đề