Ký kết văn bản hợp tác với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ

01-06-2014 12:59

 Trong chương trình làm việc chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Ấn Độ, chiều ngày 20/11/2013, tại Nhà khách Chính phủ, thủ đô New Dehli, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Sau hội đàm, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ và Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ (Council of Scientific and Industrial Research - CSIR) kiêm Thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ Ấn Độ GS. Samir K. Brahmachari đã kí Thỏa thuận hợp tác về Khoa học và Kỹ thuật.

Thỏa thuận giữa ĐHQGHN ký với CSIR sẽ hỗ trợ thúc đẩy và mở rộng hợp tác về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như: Trao đổi các Nhà khoa học, Học giả nghiên cứu và Chuyên gia cho các mục đích nghiên cứu, đào tạo và tư vấn; Trao đổi thông tin, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và các khóa học đào tạo về khoa học - kỹ thuật, xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu chung, qua đó có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế phục vụ cho các ngành công nghiệp, xã hội; Thiết lập các phòng thí nghiệm chung phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển…

Các lĩnh vực hợp tác chính theo bản thỏa thuận này bao gồm: Khoa học và công nghệ hoá học, khoa học sinh học và công nghệ sinh học, vật lý và khoa học vật liệu, khoa học địa chất, hải dương học và biến đổi khí hậu, khoa học và kỹ thuật môi trường.

ĐHQGHN và CSIR thống nhất thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chung VNU-CSIR đặt trụ sở tại ĐHQGHN.

Cũng trong chiều cùng ngày, Giám đốc cùng đoàn ĐHQGHN và đại diện Bộ Khoa học Công nghệ đã tới thăm và làm việc với CSIR. Phía CSIR có sự tham dự của Tổng Giám đốc CSIR kiêm Thứ trưởng bộ Khoa học Công nghệ Ấn Độ GS. Samir K. Brahmachari, Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế TS. Amitava Bandopadhyay và Trưởng phòng Hợp tác Việt Nam TS. Purnima Rupal.

Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao vai trò của Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Ấn Độ trong sự phát triển của Ấn Độ và bày tỏ niềm vui mừng về mối quan hệ đối tác và hợp tác với CSIR.

Giám đốc Phùng Xuân Nhạ hy vọng, trên cơ sở hợp tác giữa hai bên, ĐHQGHN sẽ trở thành một đối tác quan trọng của CSIR tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.

CSIR là tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu Ấn Độ, được thành lập năm 1942. Vị trí Chủ tịch CSIR hiện do Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nắm giữ. Mục đích của CSIR là nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược, đẩy mạnh sự tiến bộ của khoa học cơ bản, phục vụ phúc lợi xã hội. Hiện nay, CSIR được xem là một trong các tổ chức tài trợ nghiên cứu và phát triển hàng đầu thế giới với 37 Viện nghiên cứu và Phòng thí nghiệm.

Ngoài CSIR, ĐHQGHN đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức khoa học giáo dục thuộc Cộng hòa Ấn Độ như Đại học Tổng hợp New Dehli, Đại học Tổng hợp Jawaharal Neru, Đại học Công nghệ Roorke, v.v. ĐHQGHN còn là cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu về Ấn Độ học ở Việt Nam.

Cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thay mặt Đoàn công tác chúc mừng Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.

Trong dịp này, ngoài thỏa thuận hợp tác giữa ĐHQGHN với SCIR, Việt Nam còn ký kết bẩy văn kiện hợp tác giữa hai nước: Hiệp định Vận chuyển Hàng không, Bản ghi nhớ về việc thành lập Phòng thí nghiệm phục hồi dữ liệu điện tử Indira Gandhi tại Hà Nội, Thỏa thuận về Bảo vệ tương hỗ đối với trao đổi thông tin mật, Bản ghi nhớ hợp tác tài chính, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Quản lý Ấn Độ Bangalore, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Petro Việt Nam và Công ty Dầu khí quốc gia Ấn Độ (OVL) trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại các lô ở Việt Nam và Ấn Độ cũng như ở các nước thứ ba, Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương Việt Nam và Công ty Tata Power về việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 công suất 1.320MW tại Sóc Trăng, Việt Nam trị giá 1,8 tỷ USD.

Janlo (theo BT - VNU Media)

 

 

 

Bài viết cùng chủ đề

1