Làm thế nào để đào tạo sinh viên thật tốt?

01-12-2016 11:59

Đó là những trăn trở của thầy Hoàng Văn Thắng – Giám đốc Tổ hợp Giáo dục ITPLus trong sự kiện Seminar Thiết kế đồ họa từ Đào tạo đến Thực tiễn diễn ra vào ngày 5 tháng 5 vừa qua tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương.

Đây là buổi hội thảo nằm trong sự kiện kỉ niệm 5 năm thành lập Khoa Thiết kế đồ họa, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW. Tại buổi hội thảo, các thầy cô đã bàn bạc và thảo luận xoay quanh vấn đề làm thế nào để đào tạo sinh viên thiết kế đồ họa thật tốt đáp ứng được những yêu cầu của công việc của doanh nghiệp?

Thầy Hoàng Văn Thắng  - Giám đốc Tổ hợp Giáo dục ITPLus đã có đôi lời phát biểu và bày tỏ những trăn trở, suy nghĩ của thầy về vấn đề này trong Cuốn Seminar gửi tới các thầy cô và các bạn sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

Ông Hoàng Văn Thắng - Giám đốc ITPlus chúc mừng PGS.TS Trần Đình Tuấn - Phó Hiệu Trưởng Trường ĐH SPNT TW về sự thành công của chương trình.

Dưới đây là những tâm sự của thầy Hoàng Văn Thắng gửi tới Quý thầy cô và các bạn sinh viên trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

"Kính thưa các quý thầy cô giáo và các bạn sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

Những năm trở lại đây, nghề Thiết kế đồ họa đã xuất hiện và góp mặt trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu những bảng biển ngoài đường, các ấn phẩm quảng cáo, tạp chí, báo, giao diện website, phim ảnh, sự kiện, cho đến bộ nhận diện thương hiệu của một công ty. Xã hội phát triển kéo theo con người cũng phải thay đổi, truyền thông lại càng trở nên cần thiết, góp phần thúc đẩy và thay đổi định hướng cũng như nhu cầu thẩm mỹ ngày càng được nâng cao. Với cương vị là một người làm đào tạo trong ngành Công nghệ thông tin đồng thời là một nhà tuyển dụng, tôi xin chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của tôi về ngành thiết kế đồ họa với các bạn sinh viên.

Thiết kế đồ họa là gì? Các chương trình đào tạo về thiết kế đồ họa là như thế nào? Có cần năng khiếu gì không? Liệu sẽ có việc làm sau khi ra trường hay không? Đó là những câu hỏi rất thực tế mà không chỉ các bậc phụ huynh mà còn cả xã hội cũng rất quan tâm.

Đã có rất nhiều hội thảo, event được diễn ra, như mới đây là Hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức, đã thống kê trong Quý 1/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Điều đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều để trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để chuẩn hóa ngay từ khâu đào tạo, rèn luyện sinh viên thật tốt để đáp ứng tốt yêu cầu của công việc cũng như của doanh nghiệp?

 

Thiết kế đồ họa từ đào tạo đến thực tiễn khi ra trường

Tại trường đào tạo thiết kế đồ họa, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức quan trọng như kỹ năng vẽ tay, phần mềm chuyên dụng gồm Photoshop, Illustrator, Indesign,... và đồ họa chuyên ngành, để được trang bị trở thành một Graphic Designer chuyên nghiệp sau khi ra trường. Triển vọng nghề nghiệp dành cho các bạn học viên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế đồ hoạ có thể kể đến đó là: chuyên viên thiết kế, tư vấn thiết kế tại các công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện, làm việc tại các studio nghệ thuật, xưởng phim hoạt hình và truyện tranh, các tòa soạn, các nhà xuất bản, cơ quan truyền hình, báo chí,... Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tự thành lập doanh nghiệp, các công ty thiết kế, dịch vụ studio hoặc tư vấn, giảng dạy tại các trường học, trung tâm, CLB,... Hơn nữa, như một đặc thù ưu ái, ngành Thiết kế đồ họa luôn mang đến những cơ hội làm thêm hấp dẫn tại nhà như thiết kế website, logo, bộ nhận diện thương hiệu, ấn phẩm truyền thông,...

Phẩm chất của một Designer

Ngành thiết kế đồ họa là ngành nghệ thuật mang tính ứng dụng cao. Chính vì vậy, người họa sĩ thiết kế đòi hỏi phải vừa có gu thẩm mỹ và khả năng sáng tạo nghệ thuật, vừa phải có sự nhạy bén nắm bắt được nhu cầu của người sử dụng và xu hướng của thời đại để sản phẩm của mình tạo ra được đón nhận. Ngoài ra, họ còn cần phải có tính kiên trì và chịu được áp lực cao trong công việc, vì đây là nghề đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ để đưa ra những sản phẩm tốt nhất đến khách hàng.

Kinh nghiệm tuyển dụng

Hầu hết các công ty thiết kế đều yêu cầu xem qua CV giới thiệu về quá trình học tập và công tác để thấy được kinh nghiệm của bạn và xem qua portfolio (Đây là phần có yếu tố quyết định cho việc bạn có gây được sự chú ý của nhà tuyển dụng hay không, cho nên hãy cân nhắc làm sao cho 2 phần Email và CV được ngắn gọn xúc tích để dẫn dắt nhanh đến phần này)

Portfolio nên được phân loại theo các hạng mục rõ ràng theo sự hiểu biết từ thấp đến cao dần: Vẽ tay, 2D, 3D, Animation,... Giới thiệu những sản phẩm bạn đã thiết kế từ đó doanh nghiệp sẽ đánh giá khả năng thẩm mỹ và kỹ năng sử dụng phần mềm của bạn như thế nào. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị những sản phẩm thật tốt và tham gia những hoạt động liên quan đến chuyên ngành trong quá trình học tập, thực tập và làm các dự án thực tế để có một hồ sơ đẹp cũng như kinh nghiệm thực tế để ứng tuyển vào vị trí tốt nhất.

Trên thực tế nguồn nhân lực cho lĩnh vực này đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhân lực cho nghề đắt giá này. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xác định rằng Thiết kế đồ họa (nằm trong nhóm CNTT) là ngành cần được ưu tiên đào tạo đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng về nền tảng mỹ thuật và phương pháp thiết kế, các kỹ thuật ứng dụng và sử dụng công nghệ trong thiết kế đồ họa, xu hướng phát triển các ứng dụng đồ họa trên thế giới,... Sinh viên tốt nghiệp có khả năng kết hợp giữa thiết kế với truyền thông, mỹ thuật, thương mại để đáp ứng tốt những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.

Ngoài ra, tại những trường đại học đào tạo ngành Thiết kế đồ họa có uy tín như Trường Đại học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương, sinh viên còn được chú trọng phát triển các kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng sáng tác và thể hiện, kỹ năng nắm bắt tâm lý khách hàng, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng đàm phán,...

Với nhiều hứa hẹn và thách thức trong nền kinh tế hội nhập năng động này các bạn học viên yêu thích và lựa chọn ngành Thiết kế đồ hoạ cần trang bị cho mình không chỉ chuyên môn giỏi mà còn phải có đủ bản lĩnh, tài năng để tự khẳng định bản thân mình trước mỗi doanh nghiệp và xã hội.

Một điều lưu ý khá thật trong môi trường các doanh nghiệp hiện tại đối với các designer đó là: Giỏi chuyên môn cũng phải biết quy tắc ứng xử để phù hợp với môi trường công việc, với các đồng nghiệp khác. Khi bạn đánh mất lợi thế giao tiếp thì chỉ có 2 con đường, bạn thực sự giỏi để doanh nghiệp không còn cách nào hoặc là chấp nhận bạn hoặc là sớm nghỉ việc. Nhiều người có khả năng làm việc 1 mình tại nhà cực cao nên đó cũng là 1 điều tốt nếu bạn chọn đúng con đường, môi trường làm việc.

Cơ hội việc làm

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW mở rộng cơ hội việc làm cho các bạn sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa qua sự phối hợp với Tổ hợp Giáo dục ITPlus giới thiệu việc làm đến hơn 50 doanh nghiệp đã kí kết hợp tác.

Cuối cùng, tôi – Hoàng Văn Thắng, Giám đốc Tổ hợp Giáo dục ITPLus xin gửi tới Ban lãnh đạo của Khoa Thiết kế đồ hoạ - Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW lời cảm ơn chân thành nhất. Cảm ơn nhà trường trong suốt thời gian vừa qua đã đồng hành, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển với Tổ hợp Giáo dục ITPlus. Sự phát triển của ITPlus luôn có sự song hành của nhà trường và của Khoa Thiết kế đồ hoạ. Tôi hy vọng trong những bước đi tiếp theo của ITPlus luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Ban lãnh đạo nhà trường cũng như của ban lãnh đạo Khoa Thiết kế đồ hoạ. Chúc cho Khoa Thiết kế đồ hoạ cũng như Nhà trường sẽ luôn phát triển và đào tạo ra những thế hệ sinh viên đóng góp năng lực cho sự phát triển của Đất nước. Chúc cho sự hợp tác của Tổ hợp Giáo dục ITPlus và Khoa Thiết kế đồ hoạ sẽ luôn tốt đẹp và phát triển hơn nữa."

Ban truyền thông ITPlus

 

 

Bài viết cùng chủ đề