“Game của tớ làm sau này còn hay hơn Flappy Bird”

16-09-2016 11:59

Vậy là sau bao nhiêu chờ đợi, vào chiều 02/03/2016, Hội thảo “Làm thế nào để trở thành Nguyễn Hà Đông thứ 2” đã được tổ chức thành công với sự tham gia của đông đảo của các bạn sinh viên đam mê “Lập trình Game”.

Tham dự buổi hội thảo, các bạn đã được các diễn giả chia sẻ rất nhiều kiến thức bổ ích về lĩnh vực “Lập trình Game”. Thầy Vũ Đình Bổng (CEO Công ty cổ phần TexVN) đã giới thiệu đến các bạn một trong những Engine làm game mạnh mẽ và tiện lợi nhất hiện nay: “Unity”. Với Unity các bạn có thể làm được gì ? Unity cung cấp cho các bạn hầu hết các tính năng để các bạn có thể làm được một Game từ đơn giản đến phức tạp như: Animation, Prefab, Script, Physic, Hiệu ứng và tối ưu đồ họa ....

Thầy cũng demo cho các bạn thấy 01 game thầy đã làm và cách đưa Game đó lên Google Play hoặc App Store. Một Game để được đưa lên “Chợ” các bạn sẽ phải đăng ký một tài khoản App Google hoặc Ios, sau đó Game của bạn sẽ bị xét duyệt bởi Google hoặc Apple, nếu không vi phạm gì thì mới được public. Tuy nhiên có rất nhiều vấn đề xảy ra tại khâu này. Và thật cởi mở, thầy và trò đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm có thể nói là “quý như vàng” của “những người trong nghề” mới biết để có thể vượt qua được sự kiểm duyệt này.

Qua phần nói chuyện của Thầy Vũ Đình Bổng, các bạn sinh viên đã mường tượng ra rằng: “Để làm được 1 Game và kiếm tiền bằng Game là như thế nào”. Bạn Đỗ Mạnh Trường chia sẻ: “Em hiện là Sinh viên CNTT năm 2 trường Đại Học Công Nghiệp. Em rất đam mê lĩnh vực CNTT, nhưng chưa xác định được hướng đi của mình khi ra trường. Đến với buổi hội thảo hôm nay, em đã hiểu thêm 1 công việc nữa liên quan đến ngành nghề em đang học. Em sẽ thử nghiên cứu thêm về Unity.”

Sau phần nói chuyện của thầy Vũ Đình Bổng, các bạn sinh viên tiếp tục được hiểu biết thêm về công việc thực tế của một “Lập trình viên phát triển Game” qua sự chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hạnh (CEO công ty cổ phần CDI). Ông Hạnh chia sẻ: Có 2 loại hình công việc các bạn có thể apply nếu theo đuổi lĩnh vực “Lập trình Game”. Bạn có thể xin vào làm chuyên gia lập trình tại các công ty phát triển Game như VinaGame hay Gameloft... hoặc có thể tự mình đứng ra thành lập công ty riêng. Tất nhiên với mỗi hướng đi sẽ đều có cái lợi và cái hại của riêng nó. Làm việc trong một tổ chức, các bạn sẽ ít phải chịu các rủi ro về mặt kinh doanh hơn, nhưng khi tự mình mở một công ty riêng, bạn sẽ được tự do phát triển ý tưởng của mình và đó là con đường Nguyễn Hà Đông đã đi. Ông cũng chia sẻ về các cơ hội thực tập tại công ty mình với các yêu cầu tối thiểu về mặt “kiến thức nền tảng cơ bản” cũng như “niềm đam mê”. Bạn Nguyễn Thanh Thảo đến từ trường Học viện Báo Chí có một câu hỏi khá hay dành cho diễn giả Vũ Đình Hạnh:  “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một game bị kiện về vi phạm bản quyền như trường hợp Nguyễn Hà Đông”. Câu trả lời của diễn giả đã làm các bạn thực sự khâm phục: “Khi các bạn vi phạm, thì lúc đó quyền quyết định không còn là của các bạn nữa. Các bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề của mình, trước tiên, Google hoặc Apple chắc chắn sẽ remove Game của bạn. Sau đó là còn về các vấn đề pháp lý khác nữa. Còn về trường hợp Nguyễn Hà Đông thì thực tế anh có vi phạm hình ảnh “ống nước” của Nintedo, nhưng họ không khởi kiện nên không gặp vấn đề gì. Đó là do họ lớn và họ bỏ qua”

Buổi hội thảo kết thúc trong sự lưu luyến của cả diễn giả và các bạn sinh viên, các bạn còn rất nhiều điều thắc mắc nhưng do thời gian chương trình có hạn nên các bạn đều đồng ý sẽ gửi mail về cho BTC về những câu hỏi của mình. Hình ảnh diễn giả và các bạn sinh viên cùng nở nụ cười đã kết thúc chương trình tốt đẹp.

Thầy Vũ Đình Bổng sau buổi hội thảo đã trao đổi với BTC: “Chúng tôi rất mong muốn có nhiều cơ hội hơn để được gặp gỡ các bạn sinh viên. Bản thân tôi rất mong muốn đào tạo được một lớp kế cận tiếp nối mình và đặc biệt riêng công ty tôi cũng đang cần rất nhiều nhân lực thực sự đam mê và làm được việc vì lĩnh vực “Làm game” còn rất nhiều cơ hội và thách thức. Cám ơn ITPlus đã tổ chức buổi nói chuyện ngày hôm nay”

Kết thúc chương trình, người viết vẫn còn cảm thấy thích thú với một câu nói mà người viết nghe được các bạn trao đổi với nhau: “Game của tớ làm sau này còn hay hơn Flappy Bird nhiều”.

Ban truyền thông ITPlus

Bài viết cùng chủ đề