5 ĐIỀU CẦN BIẾT KHI BẠN TRỞ THÀNH DESIGNER

03-09-2018 16:38

Bước vào một lĩnh vực và chọn nó làm một nghề nghiệp, không đơn giản chỉ là việc nhắm mắt chọn bừa. Khi chọn design trở thành một ngành nghề mà chúng ta sẽ gắn bó với nó một thời gian dài (hoặc có thể là cả đời), ai cũng sẽ phải tìm hiểu trước những đặc thù công việc đó mang lại cho chúng ta và đổi lại, chúng ta phải chuẩn bị những gì.

ITPlus Academy sẽ mách bạn 5 điều khi các bạn học thiết kế để chuẩn bị trở thành designer.

Đọc sách, rồi hãy quên nó đi

Làm thiết kế không phải là một công việc, nó là cả một ngành nghề. Bởi thế, học và thành thạo kỹ năng thôi sẽ không bao giờ giúp bạn bước xa trong sự nghiệp này. Chắc chắn, khi học một lĩnh vực nào đó, chúng ta thường đọc sách, nhưng đối với làm thiết kế, đọc sách sẽ chỉ giúp bạn “làm thế nào cho đúng” chứ không thể mách bạn “làm thế nào cho hay”. Bởi đặc thù của làm thiết kế cần sự sáng tạo, vì thế chúng ta không thể theo một khuôn mẫu trong sách mà phải tự tìm cho mình một lối đi riêng. Simon Manchipp, nhà sáng lập SomeOne nói rằng: “Những thiết kế tuyệt nhất không đến từ kỹ thuật thiết kế, mà đến từ con người thiết kế”.

Sáng tạo không ngừng

Không ai mới vào nghề đã trở thành nghệ nhân. Cho nên đối với các designer mới bắt đầu làm thiết kế, đừng nên tuyệt vọng vì bạn không thể có những sản phẩm hay. Khi bạn phải trầm trồ với các ấn phẩm trên Internet thì những nhà thiết kế đó đã mất hàng năm trời với các ấn phẩm không xuất sắc, để cuối cùng ra mắt công chúng những sản phẩm để đời. Chính vì vậy hãy cứ sáng tạo đi, bởi cảm hứng chỉ có thể tìm đến khi bạn làm việc không ngừng.

Đừng đợi cơ hội đến

Cái hay của việc sáng tạo là bạn có thể tự tạo cơ hội cho chính mình. Đừng nghĩ rằng các designer chỉ làm việc khi được làm việc trong một dự án nào đó. Hãy thử nghĩ xem, bạn chỉ có thể được thuê khi bạn chứng tỏ khả năng của mình với những nhà tuyển dụng, vậy thì tại sao phải đợi các nhà tuyển dụng khi bạn có thể là nhà tuyển dụng của chính mình? Sáng tạo poster, thiết kế áo, sau đó đăng lên các diễn đàn, các hội  nhóm mua bán ý tưởng. Chắc chắn khi làm việc cho chính mình, bạn sẽ thấy sảng khoái và ít áp lực hơn.

Nghề tuyệt nhất, nhưng cũng là nghề tệ nhất

Bạn cần phải biết rằng bạn không phải là designer duy nhất trên thế giới này. Thực tế, nghề designer là nghề có tính cạnh tranh cực kỳ cao, và nó là nghề tuyệt nhất khi bạn được làm việc với những người tuyệt vời – những khách hàng luôn có những ý tưởng hay và hợp với phong cách làm việc của bạn, những người bạn designer khác đưa cho bạn những thế giới quan mới, luôn biết cách giải phóng sức tưởng tượng của bạn. Thế nhưng nó cũng là nghề tệ nhất – làm việc với deadline siết chặt từng ngày, với những người coi rẻ sức sáng tạo của bản thân, bí ý tưởng và không được coi trọng thành quả lao động. Việc bạn nhìn nhận vấn đề tùy vào con mắt của bạn, và khi bạn đã biết thiết kế là một ngành nghề thế nào, chắc chắn bạn sẽ chuẩn bị được tinh thần để dấn thân vào lĩnh vực này.

Biết lúc nào nên nói, và lúc nào nên im lặng

Một đặc thù của những người làm nghề sáng tạo rằng họ có một cái tôi rất cao. Khi sáng tạo ra một tác phẩm, nhà thiết kế đã phải dày công nghiên cứu ý nghĩa của từng chi tiết trong ấn phẩm của mình, chính vì vậy họ luôn nghĩ rằng tác phẩm của họ là hoàn hảo. Vấn đề ở đây, là cần phải cân bằng giữa việc bảo vệ ý tưởng và lắng nghe nhận xét. Tùy từng đối tượng, và tùy từng yêu cầu mà chúng ta nên chọn cách nói hoặc im lặng, để cuối cùng, người được lợi nhất vẫn là các designer, giúp họ hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình.

Những lời khuyên trên chắc hẳn đã giúp các designer tập sự có một định hướng rõ hơn và các nhận thức tổng quan hơn về những gì họ sẽ gặp phải khi học thiết kế. Hãy làm một designer luôn tràn ngập ý tưởng và linh hoạt, mềm dẻo để sẵn sàng xử lý với những rủi ro khi làm việc sau này nhé!

Ban truyền thông ITPlus Academy

Bài viết cùng chủ đề

1