Mẹo chặn phần mềm gián điệp tấn công điện thoại

07-12-2013 12:59

Điện thoại di động đã trở nên thân thuộc không chỉ với những người trẻ tuổi mà cả những người già. Họ dùng điện thoại để nghe nhạc, tải hình ảnh hoặc truy cập vào các trang mạng xã hội.

Tuy nhiên, chính những lần truy cập mạng lại khiến cho điện thoại dễ bị lây nhiễm mầm mống độc hại.

Khi đó, thông tin cá nhân của người dùng chứa đựng trên điện thoại di động có nguy cơ bị đe dọa bởi tội phạm mạng nếu chúng không được bảo vệ.

Dưới đây là những thủ thuật để hạn chế tối thiểu các nguy cơ lây nhiễm mầm mống độc hại vào điện thoại di động:

1. Cài đặt phần mềm bảo mật cho điện thoại

Đây là một bước đi khôn ngoan vì phần mềm bảo mật như một công cụ chống virus và có thể được tải trực tiếp về điện thoại di động. Các hệ điều hành khác nhau trên điện thoại đều có các phần mềm gián điệp mới và hầu hết các công ty phần mềm diệt virus đã có những chương trình phần mềm bảo mật cực kỳ hiệu quả đối với mỗi loại điện thoại đó. Dù hệ điều hành Symbian, Windows Mobile, Android, Blackberry hay iPhone, tất cả đều có các chương trình chống phần mềm gián điệp trên thị trường để ngăn chặn sự gia tăng của các mối đe dọa này.

2. Tắt Bluetooth khi không sử dụng

Người dùng có xu hướng quên đi Bluetooth sau khi đã sử dụng chúng. Tuy nhiên, Bluetooth luôn bật sẽ tạo cơ hội cho tội phạm mạng rình rập và gửi tới người dùng các tin nhắn có chứa phần mềm gián điệp. Vì vậy, người dùng nên tạo thói quen tắt Bluetooth khi không sử dụng chúng. Hầu hết điện thoại hiển thị một biểu tượng nhỏ trên màn hình để cảnh báo người dùng rằng, Bluetooth của họ đang được bật. Vì vậy người dùng để ý tới điều đó và tắt Bluetooth đi khi không sử dụng.

3. Chỉ mở các tin nhắn văn bản của người quen biết

Bạn có rất nhiều các tin nhắn rác ẩn chứa phần mềm gián điệp. Vì vậy, bạn chỉ nên mở các tin nhắn văn bản do người quen biết gửi tới. Nhiều chương trình phần mềm gián điệp ẩn chứa trong các tin nhắn chuyển tiếp với các tiêu đề hấp dẫn để kích thích sự tò mò của người dùng. Vì vậy người dùng nên cân nhắc cẩn thận trước khi mở các tin nhắn văn bản loại này.

4. Tải nhạc chuông và các tệp tin đính kèm từ các website tin cậy

Người dùng chỉ nên đăng nhập vào một số trang web tin cậy nếu muốn tải các bản nhạc chuông hay màn hình chờ mới nhất. Vì rất nhiều nhạc chuông “hot” mới nhất được dùng làm mồi nhử trên các trang web giả mạo. Chúng chứa đựng sẵn các mầm mống độc hại để chờ đón người dùng.

5. Sử dụng Internet tiết kiệm và cẩn thận

Người dùng sẽ không bao giờ biết được các trang web nào có nhiều khả năng chứa phần mềm độc hại. Vì vậy, cách ngăn chặn tối ưu nhất khi lướt mạng bằng điện thoại di động, người dùng nên chọn các trang web đã biết từ trước, bỏ qua các trang web có tính mời chào.

Chú ý: Nếu bạn nghĩ điện thoại di động đã bị lây nhiễm phần mềm độc hại, ngay lập tức tháo pin và đến các đại lý điện thoại di động gần nhất để nhờ xử lý. Họ sẽ hỗ trợ bạn loại bỏ phần mềm gián điệp khỏi điện thoại trước khi chúng làm tê liệt điện thoại.

Hầu hết họ sẽ khuyên bạn nên cài đặt phần mềm bảo mật sau khi quét sạch các mầm mống độc hại trên điện thoại. Vì đây là một cách khôn ngoan nếu bạn muốn tránh sự phá hoại của các phần mềm gián điệp đối với “dế” yêu của mình.

Bài viết cùng chủ đề

1