Trượt ĐH-CĐ: Có nên chọn học nghề?

24-12-2015 11:59

Ngày nay các bạn trẻ luôn băn khoăn với câu hỏi "Rớt đại học rồi liệu mình sẽ làm gì?" “học ngành gì dễ xin việc?”. Có nhiều ý kiến cho rằng: "chỉ có bằng đại học mới dễ xin việc, lương cao và là con đường duy nhất đến thành công". Thế nhưng, không phải ai cũng có khả năng vào đại học khi chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào ngày càng bị siết chặt. Bởi vậy, ngoài đại học, việc chọn ngành học nào phù hợp với bản thân và cơ hội việc làm rộng mở luôn là câu hỏi lớn đối với bậc làm cha mẹ và các em học sinh.

Thực tế cuộc sống chứng minh rằng: không phải tất cả những người thành công đều bước ra từ cánh cửa đại học. Hằng năm, có rất nhiều cử nhân đại học thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm ổn định. Trong khi đó, không ít người học trung cấp hay học nghề dễ dàng tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, thu nhập không kém cạnh cử nhân.

Giáo sư Andreas Foeldenyi, đại diện các trường đại học và Viện đào tạo Hospitality (Thụy Sĩ) nhận định: “Việc chọn đi học nghề chẳng có gì là xấu hổ mà chỉ là sự lựa chọn phù hợp với bản thân. Mọi ngành nghề đều được tôn trọng như nhau. Khi ta không đủ năng lực để làm những công việc có tính nghiên cứu học thuật  mà cố học lên đại học thì tấm bằng ấy sẽ không xứng đáng với tầm vóc lẽ ra phải có. Thực tiễn xã hội luôn cần đến nhiều ngành nghề. Bởi vậy, học nghề không có gì đáng hổ thẹn cả. Học nghề sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc có bằng đại học nhưng phải đi lái tắc xi, đi bán vé sở thú hay đi làm bảo vệ…”.

Xã hội ngày nay không quan trọng việc ta đến với thành công bằng con đường nào, mà quan trọng là ta phải đi như thế nào để đến được với thành công ấy. Mỗi chúng ta phải không ngừng cố gắng, đam mê, quyết tâm theo đuổi con đường mình đã lựa chọn khi ta vẫn còn hoài bão và sức trẻ. Thế nên, các bạn đừng quá thất vọng khi không đỗ đại học bởi cái đích thành công vẫn ở phía trước. 

Như vậy, “học ngành nghề gì không quan trọng bằng việc học xong có thể làm được gì?” chính là lời giải cho câu hỏi “học ngành gì dễ kiếm việc làm?”. Hy vọng, mỗi bạn học sinh sẽ sớm tìm được cho mình một ngành học, một cấp học thật sự phù hợp với bản thân, hoàn cảnh gia đình để dễ dàng tìm được công việc ưng ý nhất sau khi tốt nghiệp.

ITPlus (ST)

Bài viết cùng chủ đề