- Trang chủ
- Giới thiệu
- Du học
- Đào tạo ngắn hạn
- Đào tạo chuyên sâu
- Tin Tức
- Học viên
- Blog
- Tin THPT
- Liên hệ
Là một người làm thiết kế, chắc hẳn ai cũng từng sử dụng các font chữ trong thiết kế các ấn phẩm của mình. Tuy nhiên, bạn có thật sự hiểu hết ý nghĩa các font chữ đó không, hay chỉ là “thấy đẹp thì chọn”? Mỗi loại font chữ sẽ mang một ý nghĩa riêng và sử dụng trong các hoàn cảnh khác nhau.
Trong bài viết dưới đây, ITPlus Academy sẽ giúp bạn tìm hiểu về các font chữ và cách sử dụng chúng hiệu quả nhất.
Fonts Serif
Là font chữ cổ điển và thuần túy, Serif mang trên mình một nét được thêm vào phần đầu hoặc phần cuối trong nét chính của một chữ. Trong thế kỷ 15, các kiểu chữ Serif trở nên rất thịnh hành và hiện nay, nó được chia thành nhiều loại khác nhau như Classical, Transitional, Old Style,… để sử dụng cho nhiều mẫu thiết kế và nhiều ngữ cảnh thiết kế khác nhau.
Thông thường, các designer dùng các font chữ này cho các thiết kế logo hoặc tiêu đề ngắn đến phần nội dung của một văn bản trên website hay các mẫu thiết kế khác. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp font chữ này trong hầu hết các cuốn sách hoặc tài liệu thông thường.
Fonts Slab serif
Là các font chữ có họ hàng với mẫu font serif cổ điển, Slab serif khiến người dùng hứng thú bởi cấu trúc lớn và khả năng gây ấn tượng tốt. Trong thế kỷ 19, người ta thường dùng font chữ này để truyền tải các thông điệp từ khoảng cách xa, ví dụ như các tấm áp phích, bảng quảng cáo và sách.
Tuy là hình thức chữ cổ điển, nhưng các font chữ này lại có thể áp dụng rất tốt cho các thiết kế ngoài trời và các phiên bản thiết kế hiện đại, tinh tế.
Fonts Sans Serif
San serif là loại font bắt đầu được các nhà thiết kế ưa chuộng vào giữa thế kỷ 19 và được sử dụng rất nhiều vào những năm của thế kỷ 20. San serif là tên gọi theo tiếng Latin, nghĩa là “without serifs – không có chân”, hay được gọi là font không chân.
Tiêu biểu cho loại font này, 2 phông chữ phải kể đến đó là Helvetica và Futura. Đây là 2 phông chữ vẫn còn phổ biến và mang tính biểu tượng cao, cho đến ngày hôm nay, nó vẫn còn được sử dụng rất nhiều trong các thiết kế chuyên nghiệp như ấn phẩm truyền thông, bộ nhân diện thương hiệu, thiết kế in ấn,…
San serif là các phông chữ được ưa thích bởi sự tinh tế, hiệu quả, thu hút, hiện đại và truyền đạt rõ ràng thông điệp mà nhà thiết kế muốn gửi gắm thông qua các ấn phẩm của mình.
Fonts script
Được dựa trên các hình thức viết tay với bút hoặc cọ mềm, phông chữ Script có cấu trúc mảnh và được làm nổi bật bởi các đường cong, hình vẽ,… Các chữ cái của các font chữ này thường được kết nối lại với nhau, được chia thành 2 loại hình thức chính, đó là Formal Script và Casual Script. Do có nhiều cách viết và ngòi bút khác nhau nên hình ảnh của kiểu chữ này rất đa dạng và tồn tại nhiều mâu thuẫn. Đó cũng là lí do mà font chữ này được đánh giá là hơi khó sử dụng cho các designer, đặc biệt là trong thiết kế in ấn.
Font chữ Script nên được dùng trong các hoàn cảnh cụ thể như thiệp mời đám cưới, bìa sách lãng mạn, poster phim, bìa tạp chí thời trang,… chứ không nên dùng nhiều trong văn bản, bởi nó sẽ khiến văn bản của bạn trở nên rất rối mắt và khó đọc. Điều này sẽ khiến khách hàng của bạn khi nhìn vào sản phẩm sẽ thấy khó chịu, giảm tính thu hút đối với khách hàng.
Font chữ viết tay
Font chữ viết tay về cơ bản nhìn cũng tương tự như các font script nhưng ít rườm rà hơn, do vậy khả năng sử dụng của loại font chữ này cũng cao hơn. Các designer có thể dùng mẫu font này cho các bìa sách và các áp phích, logo, vì chúng mang lại cảm giác sáng tạo, độc đáo mà hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đều mong muốn.
Một lưu ý cần nhớ là bạn phải đánh giá phông chữ viết tay cẩn thận trước khi quyết định sử dụng chúng trong ấn phẩm của mình. Một phông chữ vui nhộn sẽ rất thú vị đối với tiêu đề của mẫu thiết kế nhưng đôi khi chúng không có đầy đủ dạng chữ và chấm câu.
Bạn nên sử dụng công cụ text font có sẵn ở các trang để biết font này hiển thị như thế nào, khi viết thành tiêu đề hay logo của bạn thì có phù hợp hay không.
Trên đây là 5 kiểu font chữ đứng đầu xu hướng thiết kế hiện nay. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ nắm rõ thông tin và cách thức sử dụng chúng để áp dụng vào các thiết kế thực tế của mình.
Ban Truyền thông ITPlus Academy