- Trang chủ
- Giới thiệu
- Du học
- Đào tạo ngắn hạn
- Đào tạo chuyên sâu
- Tin Tức
- Học viên
- Blog
- Tin THPT
- Liên hệ
Mạng xã hội đang thực sự đóng góp một phần quan trọng vào cuộc sống của chúng ta. Ngay cả khi đã đi làm và có nhiều mối quan hệ xã hội thì mạng xã hội không chỉ là nơi để giao lưu, liên lạc với bạn bè, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của các bạn. Cùng ITPlus Academy tìm hiểu cách sử dụng mạng xã hội đúng cách để “bảo vệ” cho sự nghiệp của bạn.
Than vãn về công việc và cấp trên
Đưa ra những lời phàn nàn cho cả “thế giới” nhìn thấy không bao giờ là điều nên làm, đặc biệt là khi bạn có điều bức xúc về công việc hoặc sếp. Ngay cả khi không kết bạn với sếp và bạn nghĩ sếp sẽ chẳng bao giờ đọc được những bài đăng này, thì bạn có chắc sếp của mình sẽ không nghe được những lời không hay từ những đồng nghiệp khác? Chắc chắn sau đó bạn sẽ trở thành “ngôi sao” phiền hà của cả công ty hay là đối tượng để mọi người bàn tán, soi mói.
Thậm chí, nếu lời phàn nàn đó không ảnh hưởng đến công việc hiện tại của bạn thì nó cũng sẽ ám ảnh bạn ngay sau đó thôi. Nhà tuyển dụng tiềm năng có thể đã nhìn thấy và không ai muốn thuê người “nói xấu” nơi mình từng gắn bó cả.
Vì vậy, cách tốt nhất để tránh xa rắc rối là không chia sẻ bất kỳ thông tin tiêu cực nào về công ty hoặc sếp dù bạn có khó chịu đến đâu.
Chế giễu khách hàng
So với việc phàn nàn về sếp thì việc “đăng đàn” chế giễu khách hàng cũng mang lại hậu quả nặng nề không kém. Bởi không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà việc “tỏ thái độ” với khách hàng trực tuyến thế này còn tạo nên một hình ảnh xấu về công ty dẫn đến việc kinh doanh bị trì trệ. Chắc rằng không có nhà tuyển dụng nào chịu được sai lầm nghiêm trọng này của nhân viên dù với bất cứ lí do gì, vậy nên bạn hãy tránh đăng những thông tin thể hiện sự thiếu tôn trọng khách hàng (hoặc bất cứ người nào khác) như thế nhé!
Chia sẻ thông tin vô tội vạ
Hãy cẩn thận khi chia sẻ nội dung của người khác bởi có rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng được đăng tràn lan trên các mạng xã hội. Nếu nhấn nút “chia sẻ” nhưng chưa đọc kỹ nội dung hoặc thông tin không có nguồn gốc rõ ràng, có thể vô tình bạn đang “phát tán” những điều trái ngược với quan điểm của bản thân hoặc ngược lại với các chuẩn mực đạo đức, có thể gây ảnh hưởng đến người khác và cho cả chính bạn. Nếu đồng nghiệp hoặc đối tác là người nhận được thì họ sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm về bạn và chắc rằng chẳng ai muốn làm việc hoặc hợp tác với người thiếu trách nhiệm như thế cả.
Đề cập đến ý định tìm việc mới khi đang đi làm
Nếu bạn đã xin nghỉ việc thì hãy thoải mái “quảng cáo” bản thân trên trang cá nhân, tuy nhiên, nếu sếp không hề biết bạn có ý định tìm một công việc mới, hãy cẩn thận. Dù bạn không kết nối trực tiếp với sếp nhưng tin tức “nóng hổi” này của bạn sẽ được chuyển đến tay sếp ngay tức thì. Lúc đó, ý định của bạn sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực mà thôi.
Nếu bạn không muốn bị “lộ tẩy”, tốt hơn hết bạn đừng nói với ai về ý định tìm việc của mình, càng không nên chia sẻ trên mạng xã hội bởi bạn không biết được người bạn chia sẻ có giữ bí mật tuyệt đối hay không.
Tiết lộ bí mật công ty
Vô tình chia sẻ bí mật hoặc thông tin nhạy cảm của công ty lên mạng xã hội có thể dễ dàng gặp phải hơn bạn tưởng tượng đấy. Chẳng hạn, bạn thương thảo thất bại với một đối tác lớn và đăng sự thất vọng tràn về của mình lên mạng xã hội, tuy nhiên sếp lại muốn giữ bí mật kết quả này. Không cần phải đăng lên mạng cả bảng báo cáo tài chính hay hợp đồng mua bán, mà đôi khi chỉ thể hiện cảm xúc hay cách nhìn cá nhân về công việc cũng có thể tiết lộ nhiều thông tin kinh doanh quan trọng.
Ban Truyền thông ITPlus Academy