TRƯỢT ĐẠI HỌC CÓ TỒI TỆ NHƯ BẠN NGHĨ?

28-05-2018 10:50

Khi một cánh cửa khép lại thì tức là sẽ có một cánh cửa khác được mở ra. Chỉ có những người không dám vượt qua thất bại chứ không có ai là không từng thất bại. Dưới dây sẽ là 8 điều cần làm nếu bạn trượt đại học.

Lập trình ứng dụng

Quay, Dựng phim và Biên tập Video

Thiết kế và Diễn họa nội thất

Thiết kế đồ họa chuyên nghiệp

1. Hãy cho phép mình buồn một chút

 

 

Buồn thì đó cũng cảm xúc quá đỗi tự nhiên, không ai cấm bạn buồn cả. Đặc biệt nếu như kết quả đó không phản ánh đúng nỗ lực của bạn. Cần thiết hơn, bạn có thể khóc vì khóc sẽ  giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn bao giờ hết.

2. Giải tỏa, hãy là chính mình

Hãy đối mặt với sự thật chứ đừng lảng tránh. Có sao đâu, bạn vẫn là chính mình với đầy đủ tính cách tốt đẹp. Bạn không hề thay đổi dù kết quả của kỳ thi có thế nào. Bạn cũng có những lúc buồn phải không? Lúc đó bạn thường làm gì? Hơn ai hết bạn biết điều gì có thể làm mình vui lên.

Có thể bạn sẽ bị bố mẹ mắng hoặc bạn bè nhìn một cách ái ngại. Nhưng không sao, đó cũng là một điều khá bình thường.

3. Một kỳ thi không thể quyết định cuộc đời

Không ai có thể thành công vượt qua các kỳ thi kể cả những bậc vĩ nhân, quan trọng là họ vượt qua như thế nào. Nhà bác học như Anhxtanh hay Thô-mát Ê-đi-sơn cũng đã từng bị nhận xét là nghịch ngợm và không có năng lực. Nhưng họ lại không bị đánh gục bởi những lời nói đó. Không có kì thi nào có thể quyết định cuộc đời bạn, chỉ là bạn có chấp nhận những điều đó hay không mà thôi. Chẳng lẽ tất cả những người trượt đại học đều thất bại và người đỗ đều thành công. Không phải vậy, bạn có rất nhiều ví dụ phải không? Vậy tại sao bạn không tự quyết định cuộc đời của mình một cách tích cực hơn.

4. Tìm người đi trước cùng cảnh ngộ

 

 

Hãy tìm những người đã từng trượt đại học đang thành công để tìm kiếm những lời khuyên cho bản thân mình. Bạn lưu ý, chỉ có những người đã vượt qua mới có thể giúp bạn có những lời khuyên thiết thực nhất. Họ cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh của bạn bây giờ và đã vượt qua được nó. Bạn không được học theo những người gục ngã nhé! Bạn cũng có thể tìm kiếm trên mạng vô số các câu chuyện giống như câu chuyện của bạn vì số người trượt đại học chẳng ít hơn số người đỗ là bao. Tuy nhiên, bạn sẽ nhận thấy đa phần mỗi người đều có thể tìm được con đường riêng của mình.

5. Lên kế hoạch cho chính mình

 

 

Ngay lúc này, bạn cần lên kế hoạch cho mình. Tuyệt đối không được để mình rơi vào sự nhàn rỗi. Điểm mạnh nhất của bạn là gì? Bạn cần phải tìm ra điều đó. Việc chọn ngành học là rất quan trọng vì nó sẽ gắn liền với cuộc đời của bạn. Bạn không nên chỉ vì để vào đại học mà chọn những ngành học không phù hợp với bản thân. Bạn có thể tham khảo bố mẹ của mình xem với tính cách của mình thì nên lựa chọn ngành nào. Nếu bạn không thực sự xuất sắc, bạn nên quan tâm là ngành đó có nhu cầu trong xã hội hay đang quá đông người theo học hay không?

Ngoài ra, truyền thống gia đình cũng là điều mà bạn cần lưu ý. Việc bạn theo nghề truyền thống, khả năng thành công của bạn sau này cũng sẽ cao hơn rất nhiều.

Bạn có thể chọn trong một trong các lựa chọn sau:

- Học để thi lại: Nếu thấy kết quả thi của mình không đúng như sức học hoặc bạn bị ốm hay không thể tập trung trong kỳ thi vừa qua, ôn luyện là giải pháp tốt nhất. Nhiều sinh viên Châu Âu đã dừng học một năm để hoạt động xã hội và bạn có cơ hội làm điều này. Bạn có thể vừa ôn luyện vừa tìm một công việc xã hội mà bạn thích. Nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

- Tìm một trường cao đẳng hay trung cấp: Nếu bạn học không thực sự giỏi, tốt nhất bạn nên học tại một trường cao đẳng hay trung cấp nào đó. Thời gian học tập của bạn sẽ nhanh hơn và sẽ chỉ tập trung chính vào thực hành. Nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển trung cấp hay cao đẳng vì họ tin rằng các sinh viên này chịu khó và có kỹ năng tốt hơn. Bạn ra trường sớm hơn có nghĩa là sẽ có nhiều năm kinh nghiệm hơn.

- Học nghề: Nếu bạn thấy chán ngấy những lý thuyết khô khan thì việc học nghề là lựa chọn tốt cho bạn. Có thể bạn học tại một trường đào tạo nghề hoặc xin vào học việc tại các doanh nghiệp. Bạn nên nhớ là lương của thợ bậc cao bây giờ cao hơn lương của giáo sư đại học và bạn có thể tránh xa các bệnh văn phòng.

6. Tìm kiếm thông tin

 

 

Bạn sẽ có nhiều lựa chọn nếu chịu khó tìm kiếm thông tin. Bạn hãy tìm kiếm dựa trên các từ khóa về khóa học mà bạn cho rằng nó là phù hợp. Hãy lập bảng so sánh các thông tin mà bạn tìm được gồm: chuyên ngành, bằng cấp sẽ có, học phí, truyền thống – uy tín, thời gian học. Hãy chọn ra từ 3-5 giải pháp, không nên chọn nhiều hơn và cũng không nên ít hơn.

Bạn không nên quá tin vào những thông tin trên mạng hay những lời quảng cáo hoa mỹ, tốt nhất bạn hãy tìm khoảng ba người vẫn đang học tại nơi bạn dự định để đảm bảo có thông tin chính xác nhất có thể. Bạn có thể đến tận nơi và dễ dàng có được thông tin. Nên tránh những nơi kém chất lượng vì nó chỉ làm bạn thêm chán nản và thất vọng. Cần xác định mục tiêu học tập là kiến thức và kỹ năng. Mọi người thành công được là nhờ khả năng làm việc và bằng cấp chỉ là tấm vé vào cửa.

7. Thực hiện kế hoạch

 

 

Tìm hiểu kỹ các điều kiện nhập học. Sẽ có thể bạn phải làm nhiều thủ tục nên cần chuẩn bị sẵn nhiều bản công chứng các tài liệu như chứng nhận tốt nghiệp THPT, học bạ, sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, ảnh chân dung.

Một lần nữa kiểm định lại nơi mình định học. Đáng tiếc là tại Việt Nam có nhiều nơi đào tạo kém chất lượng nên sinh viên ra trường không làm được việc. Bạn không nên lãng phí thời gian, tuổi trẻ của mình, tiền bạc của bố mẹ vào những nơi như vậy. Chắc bạn biết rất nhiều thạc sĩ ra trường không việc làm hoặc lương thấp hơn nhiều một công nhân lành nghề.

8. Quyết tâm

Khi đã chọn được một chỗ học cho mình, hãy đặt quyết tâm cao. Tương lai là do quyết định của chính bạn và hãy vui khi được là chính mình. Không bao giờ có một sự công bằng tuyệt đối trong cuộc sống. Cho dù may mắn hay kém may mắn thì bạn không thay đổi được nó. Nếu không tự quyết định được sự may mắn thì hãy tự quyết định kiến thức, kỹ năng và nghị lực của mình. Điều đó sẽ giúp bạn thành công hơn.

Ban Truyền thông ITPlus Academy

 

Bài viết cùng chủ đề