7 LÝ DO NÊN CHỌN PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG CHO ANDROID THAY VÌ IOS
Hiện tại, lập trình viên từ khắp nơi trên thế giới có nhiều lựa chọn về nền tảng để phát triển ứng dụng và thu lợi nhuận từ các tiện ích mà mình tạo ra.
Nhiều ý kiến cho rằng đối với các nền tảng di động hiện nay thì iOS có khả năng giúp các lập trình viên tạo ra ứng dụng nhanh và dễ dàng kiếm tiền hơn.
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng Android mới là lựa chọn đúng đắn. Chúng ra hãy cùng điểm qua những ưu điểm về khả năng phát triển ứng dụng cho Android so với iOS, Windows và BlackBerry để tìm câu trả lời.
7. Khả năng chuyển đổi ứng dụng linh hoạt
Các ứng dụng phát triển riêng cho Android (được gọi là "native apps") được các lập trình viên sử dụng ngôn ngữ lập trình Java, do đó có thể dễ dàng chuyển đổi (port) sang các nền tảng di động khác như BlackBerry, Symbian và Ubuntu. Ngoài ra, các ứng dụng Android cũng có thể chuyển đổi để trở thành phần mềm trên Chrome OS.
Khả năng chuyển đổi ứng dụng từ nền tảng này sang nền tảng khác là một trong những tiêu chí quan trọng để các lập trình viên quyết định chọn nền tảng cho sự nghiệp phát triển phần mềm, ứng dụng của mình. Có lẽ hiểu được điều này nên cả Microsoft mới đây cũng tung ra 2 bộ SDK là Project Islandwood (iOS) và Project Astoria (Android) để giúp các lập trình viên có thể "port" ứng dụng Android và iOS sang nền tảng Windows 10 Mobile của mình.
6. Android Studio
Có thể nói Android Studio là một môi trường phát triển tích hợp (IDE - Integrated Development Environment) tuyệt vời, được dựa trên một tên tuổi nổi tiếng IntelliJ IDE. Như tên gọi, Android Studio là một môi trường thiết kế và phát triển ứng dụng cho nền tảng Android. Môi trường phát triển này rất dễ cài đặt, thiết lập và có thể tạo ra một dự án (project) mới chỉ sau vài giây.
Khi Android ra mắt, việc phát triển ứng dụng cho nền tảng này với Eclipse và plugin Android Developer Tools đã sẵn sàng. Tuy nhiên, với Android Studio thì có nhiều ưu điểm hơn nhờ các yếu tố sau:
- Giao diện chỉnh sửa WYSIWYG Editor hỗ trợ Live-layout có thể dựng ứng dụng và xem trước theo thời gian thực.
- Có tùy chọn để xem trước giao diện với nhiều thiết lập trên nhiều màn hình khi viết ứng dụng.
- Cho phép tạo ra file cài đặt APK (file cài đặt ứng dụng Android) hàng loạt.
- Hỗ trợ công cụ Lint để kiểm tra tính tương thích, hiệu năng ứng dụng và khả năng hoạt động trên nhiều phiên bản Android...
- Hỗ trợ phát triển ứng dụng cho Android Wear, Android TV và Android Auto.
- Có thể tích hợp với nền tảng đám mây Google Cloud Platform (App Engine và Google Cloud Messaging)
5. Hỗ trợ ngôn ngữ lập trình Java
Java là một ngôn ngữ lập trình phổ biến và được xếp vào loại mạnh mẽ vào bậc nhất hiện nay, phạm vi áp dụng của ngôn ngữ này trải rộng từ mọi thiết bị cho đến mọi hệ điều hành. Do đó, biết được ngôn ngữ lập trình Java hiện tại có thể giúp bạn "mở cánh cửa" để bước vào thế giới của những cơ hội để phát triển ứng dụng "để đời".
Đối với iOS, các lập trình viên phải biết các ngôn ngữ lập trình của Apple (Objective C hay Swift). Hai ngôn ngữ này hiện chỉ có thể áp dụng cho việc phát triển ứng dụng cho hai hệ điều hành của Apple là iOS và OS X, hoàn toàn không thể dùng cho các nền tảng khác.
Tóm lại, biết được Java là bạn có thể viết ứng dụng cho Android và các nền tảng khác nữa.
4. Kho ứng dụng Google Play Store linh hoạt
Các ứng dụng phát triển xong có thể có mặt trên kho Google Play và cho phép tải về chỉ sau vài giờ, bạn không phải "dài cổ" chờ đợi đến vài tuần như trên App Store của Apple. Ngoài ra, một ứng dụng trên Play Store có thể cập nhật nhiều lần trong một ngày, mọi phản hồi về lỗi, tính tương thích... của ứng dụng đều được phản hồi nhanh chóng và xử lý linh hoạt. So sánh với Apple App Store, ứng dụng của bạn phải trải qua một quy trình kiểm soát dài ngay từ lúc đưa ứng dụng lên (Submit) cho đến mỗi lần cập nhật (update) hay bản sửa lỗi (bug fix).
Một ưu điểm khác của Play Store là cho phép lập trình viên phát hành ứng dụng beta (bản không chính thức) để có thể nhận được các phản hồi sớm từ nhóm thử nghiệm. Điều này giúp cho bản chính thức sẽ hoàn chỉnh hơn khi người dùng tải về.
3. Yêu cầu ban đầu thấp và nhiều lựa chọn
Để phát triển ứng dụng cho thiết bị iOS, nhà phát triển phải sử dụng máy Mac - vốn có giá rất đắt. Trong khi đó, để phát triển ứng dụng trên Android thì bạn có thể dùng Windows, Mac và Linux.
Ngoài ra, để đăng ký trở thành lập trình viên trên Apple App Store thì bạn phải đóng phí hàng năm 99 USD, trong khi đó phí thành viên trên Google Play Store, bạn chỉ đóng duy nhất một lần 25 USD.
Bạn đã thấy trở thành lập trình viên cho nền tảng Android tiết kiệm hơn iOS nhiều không?
2. Lợi nhuận
Người dùng iPhone/iPad đa phần khá thoải mái về ngân sách, họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mua ứng dụng hơn so với người dùng Android. Đó là chuyện trước đây, bây giờ mọi chuyện đã đổi khác. Trên hầu hết chủng loại, ứng dụng Android hiện có doanh số bán ra khá tốt, thậm chí còn hơn cả trên iOS. Điều này cũng đang diễn ra cả trên thị trường mua thêm tính năng của ứng dụng (In-App Purchases).
Số thiết bị Android hiện nay rất nhiều, doanh thu từ các ứng dụng Android miễn phí kèm quảng cáo cũng đang tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây và sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai.
1. Thị phần của Android
Đây là lý do thuyết phục nhất để bạn trở thành lập trình viên cho Android thay vì iOS.
Theo số liệu từ IDC, số lượng thiết bị smartphone Android bán ra trong 3 tháng đầu tiên của năm 2015 chiếm tới 78% thị phần. Thời điểm cuối năm ngoái, số lượng thiết bị Android theo thống kê của statista.com đạt đến 1,6 tỷ chiếc. Đây quả thực là con số lớn so với 395 triệu chiếc dùng iOS, 46 triệu chiếc dùng Windows Phone và 45 triệu chiếc BlackBerry.
Kinh doanh ứng dụng trên một nền tảng có thị phần rất cao như Android thì cơ hội kiếm tiền của bạn sẽ cao gấp nhiều lần so với các nền tảng khác.
Nguồn: Pcworld