CÔNG NGHỆ BLOCKCHAIN VÀ ỨNG DỤNG NỔI BẬT NHẤT CỦA CHÚNG

17-09-2018 22:23

Khoảng thời gian cuối năm 2017, đầu năm 2018 là khoảng thời gian bùng nổ của công nghệ Blockchain trên khắp toàn thế giới và những tranh cãi xoay quanh những ứng dụng của nó – Bitcoin. Nhưng liệu Blockchain được sinh ra chỉ để phục vụ cho Bitcoin hay không? Liệu còn những ứng dụng nào khác của công nghệ này? ITPlus Academy sẽ cùng các bạn tìm hiểu những lĩnh vực tiềm năng mà công nghệ Blockchain có thế được ứng dụng qua bài viết sau đây.

Blockchain là gì?

“Block” là khối, “chain” là mắt xích. Hiểu nôm na Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết theo hệ thống mắt xích với nhau và không ngừng mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và liên kết với khối liền kề với nó.

Hệ thống của Blockchain được giới thiệu lần đầu như một hệ thống ngang hàng P2P (Peer-to-peer), có nghĩa rằng không có một người nào có quyền làm chủ hoàn toàn hệ thống Blockchain mà quyền kiểm soát được chia sẻ với tất cả những người tham gia. Chính vì vậy, khi cập nhật dữ liệu mới trong Blockchain phải có sự đồng thuận của tất cả mọi người tham gia. Chính vì thế Blockchain loại bỏ tất cả mọi khâu trung gian, tăng cường an ninh và tính minh bạch.

Các ứng dụng của Blockchain trong đời sống

Thông qua khái niệm Blockchain, chúng ta có những đặc điểm nổi bật sau giúp chúng được sử dụng để ứng dụng vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống, bao gồm:

  • Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kế tới khối trước nó
  • Dữ liệu khi đã được cập nhật vào hệ thống sẽ không thể sửa chữa hoặc thay đổi hay sao chép

Các lĩnh vực tiềm năng có thể được áp dụng Blockchain:

Tiền điện tử

Là lĩnh vực nổi tiếng nhất được sử dụng Blockchain, vì tính bảo mật rất cao của nó, cùng với khả năng quản lý tài sản ảo mà các loại tiền điện tử được đưa vào sử dụng như một phát minh đầy nổi bật của cách mạng công nghệ thông tin thế kỷ 21.

Mỗi khi ai đó muốn giao dịch tiền điện tử sang tài khoản khác, yêu cầu giao dịch đó sẽ được ghép thành khối (block) với một số giao dịch khác và được gửi tới tất cả các máy tính tham gia mạng lưới để chờ được xác thực. Các máy tính này xác thực giao dịch cùng trạng thái của người gửi bằng cách chạy phần mềm giải các bài toán phức tạp được hệ thống tạo ra. Các máy tính xác nhận giao dịch sẽ được coi như “máy đào”, cạnh tranh với nhau để nhận tiền điện tử.

Sau khi được xác nhận, các thông tin mỗi giao dịch sẽ được lưu lại thành một khối dữ liệu mới. Khối dữ liệu đó sẽ được thêm vào một chuỗi khối (blockchain) có sẵn, hay còn gọi là một cuốn sổ cái online mà mỗi máy tính tham gia vào mạng lưới đào đều nắm giữ một bản copy công khai được cập nhật liên tục theo thời gian thực.

Hợp đồng thông minh

Hợp đồng thông minh (smart contract) là những bản hợp đồng số được viết bằng code trên nền tảng blockchain, có thể vận hành tự động và cho phép các bên tham gia trao đổi tài sản ảo, dịch vụ, cổ phiếu,… một cách minh bạch mà không cần đến người hay dịch vụ trung gian làm chứng.

Vì là chương trình được cài sẵn nên hợp động thông minh có thể tự thực thi mọi thứ khi các điều kiện trong đó đã đạt đủ điều kiện. Ví dụ, nếu bạn mua một món hàng và trả bằng tiền ảo, thì ngay sau đó bạn sẽ nhận được một hóa đơn được đưa vào hệ thống Blockchain. Như vậy, nếu tôi hoặc bạn có trót gửi hàng hay tiền trước ngày giao kèo thì hợp đồng sẽ tự động giữ lại mã hóa đơn/tiền và chuyển cho hai bên vào đúng ngày hẹn. Sau khi mọi thứ được tiến hành xong xuôi, hợp đồng sẽ tự hủy, và code trong đó cũng không thể bị bất cứ bên nào sửa đổi mà bên còn lại không được biết. Hợp đồng thông minh có thể được sử dụng trong tất cả các dịch vụ như bảo hiểm, thanh toán, vay nợ, pháp lý,… Những thương vụ lớn với hàng mớ hóa đơn, giấy tờ, các bên trọng tài cùng thời gian xử lý kéo dài có thể hoàn toàn biến mất với các hợp đồng tự động trong tương lai.

Điện toán đám mây phi tập trung

Storj – startup đến từ Atlanta Tech Village, Mỹ đã bắt đầu nổi lên từ giữa năm nay với mô hình kinh doanh chưa ai từng nghĩ đến: trở thành Airbnb của ngành điện toán đám mây.

Dựa trên công nghệ blockchain, startup này tạo ra một nền tảng giúp người dùng kiếm tiền qua việc cho thuê dung lượng ổ cứng và băng thông còn thừa và “rao” chúng cho các bên có nhu cầu. Đổi lại, bên thuê cloud cũng được hưởng dịch vụ không chỉ rẻ hơn mà còn an toàn và có tốc độ download nhanh hơn. Lý do là bởi các file sẽ được mã hóa (chỉ chủ nhân mới có mã mở) và chia thành nhiều mảnh nhỏ để phân tán lên kho chứa của nhiều “chủ nhà” khác nhau; không cá nhân hay công ty đơn lẻ nào có thể truy cập toàn bộ file hay khống chế việc download.

File hoàn chỉnh được download cùng lúc từ nhiều kho chứa khác nhau nên tốc độ sẽ cao hơn; nó cũng sẽ được ghép từ các mảnh nhỏ thành nguyên bản khi bạn download từ cloud về. Với cam kết tốc độ download nhanh gấp 10 lần cùng chi phí chỉ bằng 50% dịch vụ cloud thông thường, Storj đã thu hút được 18.000 người dùng và huy động được 30 triệu USD qua việc phát hành đồng tiền ảo STORJ qua Initial Coin Offering (ICO).

Blockchain thực sự có thể biến đổi thị trường, vì chúng ta có thể kiểm soát được mọi giao dịch, hợp đồng hoặc bất kỳ sự di chuyển nào trong mạng. Chúng ta có thể làm cho các giao dịch và quy trình P2P trở nên minh bạch, được bảo mật với sự trợ giúp của mật mã, có dấu thời gian và dễ theo dõi. Điều này khác với Internet ngày nay, nơi các trung gian đóng vai trò quan trọng. Các công ty như Facebook, Google, chính phủ, ngân hàng, công ty công nghệ cao đều là những trung gian ảnh hưởng đến thông tin và quy trình trong mạng Internet. Blockchain loại bỏ những trung gian như vậy vì lợi ích của tất cả mọi người.

Đọc thêm:

Ban truyền thông ITPlus Academy

Bài viết cùng chủ đề