Chọn Ngành - Chọn Nghề: Ngưỡng cửa vào đời

22-02-2016 11:59

1.Thực trạng khi chọn ngành, chọn nghề 

- Một bạn chọn, cả nhóm chọn, cả lớp chọn.

- Chọn trường không phải chọn nghề với quan điểm sĩ diễn hão “thà rớt ở trường cao còn hơn đậu vào trường thấp”.

- Ảo tưởng về nghề: Khi định hướng cho mình về một nghề, một ngành học, nhiều học sinh chỉ nghe cái tên mà xét đoán rất sơ lược về nghề đó,  ngành học đó. Thường nghe cơ khí thì các bạn nghĩ đến cảnh lấm lem dầu mỡ mà không biết rằng có nhưng kỹ sư không bao giờ phải cầm đến cây búa, hay nghe việc quản lý thì nghĩ rằng đó là quyền cao chức trọng và giàu có mà không nghĩ đến cái trách nhiệm và khối lượng công việc cực kỳ nặng nề mà người lãnh đạo phải gánh vác. Rất nhiều học sinh thậm chí không thể phân biệt sự khác nhau trong chương trình đào tạo đại học ,cao đẳng và trung cấp. Đừng lầm tưởng những cái thật cơ bản như nếu vẽ giỏi thì có thể trở thành kiến trúc sư hay giỏi văn thì sẽ là phóng viên giỏi. Mỗi nghề luôn có những đòi hỏi người lao động cần có những tốt chất nào để có thể hoàn thành tốt công việc, hãy chú ý đến những đòi hỏi đó để tránh sai lầm khi chọn cho mình một nghề, một ngành học thích hợp.

- Chọn nghề “hot”: “Tiêu chí để đánh giá nghề “hot” là cơ hội việc làm lớn, nhu cầu xã hội nhiều và triển vọng phát triển nhưng không phải với bất cứ ai lao vào nghề thời thượng cũng thành công như mong muốn.

- Chọn nghề theo mong muốn của một ai đó , theo truyền thống của gia đình.

Thực trạng trên sẽ dẫn đến kết quả lựa chọn nghề một cách hời hợt, rất dễ gây thất vọng và chán nản khi tiếp xúc trực tiếp với chương trình học hay nghề đó. Trên cơ sở tổng hợp kiến thức từ các nguồn của trang web Hiếu học, các bài báo và từ kinh nghiệm cá nhân, xin gửi đến các em một số định hướng sau:

2. Định hướng

*Căn cứ vào các tiêu chí sau:

 - Thứ nhất:Sở thích nghề nghiệp

Sở thích nghề nghiệp thực sự đối với các em chính là sở thích mà các em đam mê, mơ ước theo đuổi lâu dài chứ không phải tức thời. Sở thích sẽ trở thành sở trường khi phù hợp với năng lực, tính cách và điều kiện của bạn. Tự tin vào năng lực để lựa chọn đúng đắn. Hãy nhớ nếu các em  có  nhu cầu học chỉ để biết, để trang bị kiến thức thì các em có thể học bất cứ gì các em thích, nhưng nếu học một nghề để “kiếm sống” cho đàng hoàng thì ngành học đó phải thực tiễn, có tính ứng dụng sát yêu cầu xã hội và phù hợp khả năng của mình. Tố chất khó thay đổi, nhưng khả năng thì có thể đào tạo được. Nhu cầu xã hội rất rộng nên cần nhiều người cho nhiều nghề khác nhau, việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp không phải là việc quá khó, chỉ sợ đắn đo vì mãi so sánh, sánh so. Nắm vững cuộc đời của mình, đừng lo lắng mình giỏi hay kém hơn người khác mà nên nghỉ xem mình thật sự thích và có những khả năng gì. Chỉ có các em là người nắm giữ chìa khóa của đời các em. Lựa chọn là ở nơi các em.  Không ai thật sự là người vô dụng, chỉ đừng chạy theo sang hèn cao thấp mà chọn nghề, đừng so bì, đừng bắt chước, tự tin nhìn lại bản thân, tự khắc các em sẽ tìm thấy khả năng tiềm tàng của mình.

- Thứ 2 :Nhu cầu xã hội

Nhu cầu xã hội là những khái niệm rộng nhưng ở đây chỉ đề cập đến việc chọn nghề mà xã hội đang cần, đó có thể không cần phải là nghề nghiệp cao sang nhưng nên là những nghề cần thiết  trong xã hội và phải nhớ nghề nào cũng phải vững về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nếu là thợ thì trình độ tay nghề phải cao. Các trường đào tạo cả thầy và thợ nhưng với hiện trạng “thừa thầy thiếu thợ ” thì hơn bao giờ hết “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Trong một xã hội với sự cạnh tranh ngày càng cao, nếu các em không lành nghề, sẽ không dễ tiến thân, nếu không muốn nói là “khó nhọc kiếm sống”. Các em cũng đừng sợ thiếu bằng cấp, người ta không “khờ dại” trả cho các em một đống tiền chỉ vì các em có bằng cấp, mà chính khả năng lành nghề của các em mới chứng tỏ được giá trị của bản thân. Làm sao có thể phát huy hết tiềm năng của mình với một nghề các em cho là “cao sang” nhưng không phù hợp? Làm sao có thể gọi là “hèn kém” với một nghề mà các em có thể yêu thích và làm tốt với khả năng phù hợp của mình? Nếu các em học trường TCCN – CĐ, trường ngoài công lập  nhưng cố gắng có kiến thức chuyên môn giỏi, trang bị được nhiều kỹ năng (vi tính, giao tiếp, làm việc nhóm... và ngoại ngữ), thì vẫn được đánh giá cao, vẫn có lợi thế cạnh tranh sau khi ra trường.

- Thứ 3: Ngành học phù hợp 

Sau khi đã xác định bản thân mình phù hợp với  nghề nghiệp nào, các em nên tìm  hiểu các thông tin về các ngành học đào tạo để xem ngành nào phù hợp với nghề nghiệp mình lựa chọn. Lưu ý các em rằng học một ngành có thể làm được nhiều nghề, một nghề có thể đòi hỏi kiến thức nhiều ngành. Trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp thì có thể được đào tạo ở nhiều ngành. Ví dụ các em muốn học về lĩnh vực nghề nghiệp về ngoại thương thì các em có thể học ở nhiều ngành khác nhau liên quan tới lĩnh vực này như: ngoại thương, kinh tế đối ngoại, thương mại, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh quốc tế, công nghệ thông tin. Nhiều học sinh trong quá trình tìm hiểu thông tin về ngành nghề, trường học để đăng ký thi đại học thì chỉ chọn chính xác tên ngành đó mà không biết rằng có rất nhiều ngành khác có khung chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp tương tự. .

- Thứ 4: Chọn trường

Một vấn đề cũng hết sức quan trọng là thi vào trường nào đây trong số nhiều trường có cùng ngành học? Sau khi lựa chọn được ngành nghề và xác định được khả năng học tập của mình, các em sẽ liệt kê được một số trường có thể dự thi và có khả năng trúng tuyển. Khi chọn trường các em cần quan tâm tới một số yếu tố về học phí, cơ sở vật chất, cam kết chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng viên, đánh giá của cựu sinh viên, sinh viên, doanh nghiệp về quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo của  nhà trường, việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình theo học tại trường (học phí, học bổng, du học, thực tập, việc làm, hoạt động phong trào sinh viên)…Nếu có điều kiện, các em nên sắp xếp thời gian để đi tham quan thực tế  trường, tranh thủ vào học thử vài buổi và trao đổi với các anh chị sinh viên đang theo học. Không nên quá tin vào các hình ảnh minh họa, tài liệu, thông tin quảng cáo. Các em hãy kiểm tra thông tin về trường trên báo chí (kiểm tra trên mạng), nếu trường đó bị phản ánh quá nhiều về tổ chức đào tạo thì tốt nhất nên gạt qua một bên.

- Thứ 5: Điều kiện bản thân- hoàn cảnh gia đình    

Điều kiện kinh tế gia đình, sức khỏe, ngoại hình, độ tuổi, năng khiếu bản thân cũng là các yếu tố cần xem xét trước khi chọn nghề nghiệp tương lai. Nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì phải có những lựa chọn hợp lý để không phải vất vả mưu sinh và lơ là việc học. Các em có thể tính toán để chọn học một trường đại học gần nhà hoặc thay vào học đại học hoặc  có thể học trung cấp, cao đẳng rồi tìm việc làm trang trải cuộc sống sau đó học liên thông lên.Bạn cũng có thể tính toán phương án vừa làm vừa học nếu học ở các khu đô thị trung tâm. Có rất nhiều bạn trẻ cũng đã thành công khi vừa làm vừa học như vậy. Một số ngành học có yêu cầu riêng về sức khỏe, ngoại hình, năng khiếu hoặc tuổi tác như các ngành năng khiếu thể thao, công an, quân đội, giao thông vận tải (đường biển), nghệ thuật,…Khi thi vào các ngành này các em cần tìm hiểu kỹ các thông tin để xem xét bản thân có phù hợp hay không.

*Sự hỗ trợ:  Để có thể chọn ngành, nghề theo các tiêu chí trên, các em nên cần sự giúp đỡ

- Thứ nhất: Định hướng gia đình và xã hội

Ở lứa tuổi 16-18, phần lớn các em chưa xác định được đam mê và sở thích ngành nghề một cách rõ ràng, vì thế, ý kiến của người thân cũng là kênh tham khảo quan trọng. Bố mẹ, cô chú, anh chị… đã hoặc đang công tác trong các lĩnh vực liên quan, với kinh nghiệm và các mối quan hệ của mình sẽ giúp các em có cái nhìn thực chất về ngành nghề và cả cơ hội việc làm sau khi ra trường, sự góp ý của gia đình trong nhiều trường hợp rất chính xác vì cha mẹ là người nhiều kinh nghiệm, lại hiểu rõ năng lực của con. Sau đó, để chắc chắn hơn, các em có thể tham khảo thông tin từ những người quen biết công tác ở ngành nghề mình quan tâm, đồng thời dựa vào nhu cầu phát triển ngành nghề đặc thù tại các địa phương cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội của vùng miền để có quyết định đúng đắn.Tuy nhiên, gia đình, họ hàng và bạn bè có thể là những người giúp đỡ tuyệt vời nhất, nhưng họ cũng sẽ là những người gây nhiều rắc rối cho quyết định chọn lựa nghề nghiệp của các em. Các em có thể không nhận ra tiềm năng thật sự của mình do bị tình cảm chủ quan chi phối. Thực tế cho thấy, quan hệ càng thắm thiết, đậm đà thì áp lực càng lớn, khiến việc chọn lựa nghề của các em càng nhiều hướng, khiến các em phải... lo.

- Thứ hai: Tìm hiểu gì tại các buổi tư vấn?

Thực tế cho thấy nhiều học sinh còn rất mơ hồ trong việc đặt câu hỏi tại các buổi tư vấn tuyển sinh. Các em nên tập trung vào các vấn đề sau: Giải thích về ngành, nghề và cơ hội việc làm sau khi ra trường; Điều kiện học tập và các chương trình hỗ trợ người học; Học phí và các chi phí có liên quan đến quá trình học tập; Kinh nghiệm học, ôn tập, thi cho có hiệu quả.

Trước khi tham dự các buổi tư vấn tuyển sinh, các em nên tìm hiểu thông tin về ngành/trường thông qua website của các trường, qua báo chí hoặc trên website của Bộ GD-ĐT.

ITPlus Academy (ST)

Bài viết cùng chủ đề

1