TÁCH BIỆT PHẦN XỬ LÝ VÀ HIỂN THỊ TRONG PHP

29-08-2016 11:59

TÁCH BIỆT PHẦN XỬ LÝ VÀ HIỂN THỊ TRONG PHP

 

Ở bài trước chúng ta đã đi tìm hiểu về cách kết hợp mã PHP với HTML. Bạn nào chưa đọc bài viết trước có thể đọc bài viết ở đây. Nếu các bạn áp dụng cách viết của bài trước để viết toàn bộ mã PHP và HTML, CSS và Javascript,… vào chung một tập tin PHP, thì code của bạn sẽ trở nên rối và rất khó quản lý.

Vậy thì làm thế nào để chúng ta có thể viết mã PHP và HTML để có thể dễ dàng quản lý về sau. Câu trả lời là: chúng ta tách biệt phần xử lý ra một file riêng và phần hiển thị ra một file riêng. Cách tách biệt này thường gặp trong mô hình MVC ( chúng ta sẽ học mô hình này ở các bài sau).

 

Bước 1: Tạo một hai tập tin có tên : index.php và index.view.php.

Trong đó :

index.php : là nơi thực hiện xử lý cho ứng dụng.

index.view.php : là nơi kết hợp với mã HTML hiển thị dữ liệu cho ứng dụng.

 

Bước 2: Viết mã cho file index.php:

Ở file này chúng ta sẽ viết xử lý cho ứng dụng của chúng ta.

<?php
$name = "ITPlus Academy";
$greeting = "Hello " . $name;

Giải thích :

Xử lý ở đây là tôi khai báo một biến $name, sau đó cộng chuỗi “Hello ”  với biến $name để tạo ra một chuỗi lời chào.

Đây chỉ là một ví dụ đơn giản. Còn trong ứng dụng thực tế chúng ta thường làm rất nhiều các công việc cụ thể là : lấy dữ liệu từ trong CSDL, tính toán dựa trên các dữ liệu lấy được,…

 

Bước 3: Viết mã cho file index.view.php:

Ở file này chúng ta sẽ viết mã HTML kết hợp với các kết quả trả về sau khi xử lý ở file index.php.

 <!doctype html>
 <html lang="en">
 <head>
     <meta charset="UTF-8">
     <title>Tách biệt phần xử lý và giao diện trong PHP</title>
     <style>
         h1{
             background-color: green;
             margin: 0;
             padding: 20px;
             text-align: center;
             color: white;
         }
     </style>
 </head>
 <body>
     <h1><?= $greeting; ?></h1>
 </body>
 </html>

Giải thích:

Hiển thị ra kết quả trả về ở trong phần xử lý, cụ thể là chuỗi lời chào được lưu trong biến $greeting.

Trong các ứng dụng thực tế chúng ta thường hiển thị các danh sách sản phẩm, chi tiết sản phẩm,…dựa vào các dữ liệu ở phần xử lý tương ứng.

 

Bước 4: Gọi đến view index.view.php để hiển thị dữ liệu từ file index.php:

Các bạn thêm dòng lệnh :

            require “index.view.php”;

Vào cuối file index.php. Tổng hợp code của file index.php như sau:

<?php

$name = "ITPlus Academy";
$greeting = "Hello " . $name;
require "index.view.php";

 

Giải thích:

Lệnh require ở đây có tác dụng là chèn nội dung của file index.view.php vào file index.php khi thông dịch.

 

Bước 5: Bật xampp lên truy cập vào file index.php và kiểm tra kết quả:

Bài tập: Tạo ra hai file tương ứng giống bước một. Trong đó :

Phần xử lý : Khai báo hai biến : $lastName  ( họ), $firstName ( tên) và gán giá trị cho hai biến lần lượt là họ, tên của bạn. Sau đó xử lý chuỗi và trả về biến $fullName (bao gồm cả họ và tên).

Phần hiển thị : Hiển thị $fullName trong thẻ h2 với định dạng màu nền là màu đỏ, màu chữ là màu trắng.

 

Như vậy, chúng ta đã biết cách tách biệt phần xử lý với phần hiển thị trong PHP. Ở bài học tiếp theo chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu về mảng trong ngôn ngữ PHP.

 

 

                                                                                                                                    Toàn Nguyễn

Bài viết cùng chủ đề