CẢI THIỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP BẰNG CÁC MẸO SAU

10-11-2018 17:59

Kỹ năng giao tiếp đang dần trở thành một kỹ năng bắt buộc cho tất cả mọi người với tất cả các ngành nghề khác nhau. Tưởng chừng là một thứ đơn giản vì “nói thôi đã là giao tiếp rồi mà”, nhưng nói ra sao để người khác hiểu và dễ dàng nghe mình là một sự tập luyện vô cùng gian nan. Cùng ITPlus Academy học một vài mẹo để giao tiếp hiệu quả hơn nhé.

Nói ngắn gọn, đúng trọng tâm

Việc nói chuyện một cách ngắn gọn, nói đúng vào ý chính sẽ giúp cho người đối diện hiểu được điều bạn đang muốn truyền tải dễ hơn, khiến cho cuộc nói chuyện tạo được ấn tượng sâu hơn trong họ. Không chỉ vậy, nó còn giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều thời gian và ghi điểm trong mắt những người thiếu sự kiên nhẫn. Bạn cũng nên hạn chế tối đa việc ậm ừ, hãy luôn nghĩ trước về điều bạn sắp nói. Ậm ừ sẽ khiến cho lời nói của bạn bị rời rạc, khiến cho người nghe dễ bị mất tập trung hơn.

Nhắc đến người đối diện bằng tên của họ

Trong một cuộc trò chuyện, đặc biệt là với những người mới quen, việc ghi nhớ tên của người đó và sử dụng chúng là rất cần thiết. Hãy gọi tên họ nhiều nhất có thể, trừ khi đích thân người kia bảo bạn thay đổi kiểu xưng hô. Việc này sẽ tạo ra được một cảm giác thân thiện, cởi mở đối với người mà bạn đang nói chuyện. Họ sẽ cảm thấy mình được quan tâm và chú ý hơn rất nhiều. Ngoài ra mỗi khi nhắc tên họ, hãy nở một nụ cười kèm theo. Nó sẽ làm tăng hiệu quả lên đáng kể đấy!

Liên lạc qua ánh mắt

Ánh mắt có thể thể hiện sự tự tin, quả quyết và thấu hiểu. Người đối diện sẽ biết bạn có thoải mái, tự tin và nắm được vấn đề trong cuộc nói chuyện hay không thông qua ánh mắt của bạn.

Cố gắng để lộ lòng bàn tay nhiều nhất có thể

Trong một cuộc trò chuyện hay đàm phán, bạn nên để lộ lòng bàn tay của mình ra càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ tạo được một niềm tin cho người đối diện bởi người ta sẽ cảm thấy bạn trung thực và không giấu diếm điều gì mờ ám, từ đó họ sẽ có thể giao tiếp với bạn một cách thoải mái, cởi mở hơn.

Lắng nghe nhiều hơn

Để trở thành một người giao tiếp tốt không chỉ là khả năng nói phải tốt, mà còn là khả năng lắng nghe, thu nhận. Hãy luôn ghi nhớ câu nói này: “Đừng lắng nghe để trả lời, hãy lắng nghe để thấu hiểu”. Khi có một người nào đó chia sẻ câu chuyện gì đó mang tính cá nhân, cảm xúc với bạn, đừng cố tìm cách phản hồi lại họ. Đôi khi con người ta chỉ cần một đôi tai để thấu hiểu, cảm thông. Làm được điều này, bạn sẽ xây dựng được một mối liên hệ mật thiết với những người xung quanh, nhận được nhiều sự quý mến và tôn trọng hơn từ họ.

Tạo sự thân mật

Những cuộc nói chuyện thành công là những cuộc nói chuyện mang lại cảm giác như một cuộc trao đổi thân tình chứ không phải như một cuộc thẩm vấn. Hãy thoải mái, thân thiện khi giao tiếp, tỏ ra cứng rắn khi cần thiết và không nên liên tục ngắt lời đối phương.

Đọc thêm

Ban truyền thông ITPlus Academy

Bài viết cùng chủ đề