- Trang chủ
- Giới thiệu
- Du học
- Đào tạo ngắn hạn
- Đào tạo chuyên sâu
- Tin Tức
- Học viên
- Blog
- Tin THPT
- Liên hệ
Theo lịch thi chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 24/06/2019, các thí sinh sẽ bước vào kì thi THPT QG 2019, và Ngữ Văn là môn thi đầu tiên. Những ngày gần đây, câu hỏi “Đề Văn năm nay là gì” hoặc tương tự đã xuất hiện một cách tràn lan trên các diễn đàn và các mạng xã hội. Đây là dấu hiệu của một trong những sai lầm mà thí sinh thường mắc phải nhất khi ngày khi đang cận kề mà ITPlus Academy muốn chia sẻ ngay sau đây.
1. Về đề thi
Nếu bạn đã ôn đủ kĩ và đủ chắc chắn, đề thi sẽ không làm khó được bạn. Bạn có thể xem những lời dự đoán đề là một thông tin tham khảo, nhưng tuyệt đối không nên tin bất cứ một lời đồn đoán nào. Tất cả chỉ là quan điểm cá nhân và không ai có thể chắc chắn về điều đó, nhưng có một điều chắc chắn, nếu bạn chỉ chăm chăm học theo đề dự đoán, bạn sẽ mất phương hướng hoàn toàn nếu bị lệch tủ. Đại học là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, vì thế chớ để những sai lầm đáng trách như vậy làm bạn phải hối hận.
Một giáo viên giỏi không phải là một giáo viên dự đoán đề chính xác mà chính là người có thể định hướng cho bạn cách học và kĩ năng làm bài một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bản thân bạn chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định tính thành công hoặc thất bại của kì thi này. Đề thi chính thức chắc chắn sẽ có những cách hỏi mới mẻ đa dạng, nhưng thường sẽ không đánh đố học sinh. Do đó, bạn cần nắm vững kiến thức cơ bản và phát triển nó tuỳ theo yêu cầu của đề bài, chứ còn cứ chạy theo những tin đồn trên mạng sẽ khiến bạn theo không kịp đấy.
2. Về tài liệu
Bạn không nên quá hoang mang khi gần đến ngày thi, bạn bè mình cứ rầm rộ chia sẻ những tài liệu online từ nhiều nguồn khác nhau còn mình vẫn chưa tìm được một tài liệu mới mẻ nào bởi vì đa số những tài liệu này đều không cần đến vì tất cả những kiến thức quan trọng giáo viên đã cung cấp cho bạn trên lớp. Tin tôi đi, bạn sẽ không có thời gian đọc những tài liệu này, chưa nói gì đến việc tiếp thu chúng, bởi bạn chẳng muốn khối kiến thức của mình trở nên lộn xộn và không có hệ thống một chút nào đâu.
Tâm lí của bạn bất an vì thấy còn rất nhiều thứ chưa học. Nó cũng khiến bạn thiếu tự tin vì có nhiều ý kiến, quan điểm, cách làm trái ngược với cách làm của bạn trước đó.
Lời khuyên là hãy xem lại, học thật kĩ những tài liệu đang có trong tay của bạn, học hết bài thầy cô giảng trên lớp đã là một sự xuất sắc rồi. Hãy tóm lược, hãy viết ra những gì bạn đã học được trên giấy. Xem lại những lỗ hổng kiến thức, những sai sót hay mắc phải để củng cố sự tự tin vào bản thân trước khi thi. Nhiều kiến thức có ngay trong sách giáo khoa mà bạn không bao giờ xem lại.
3. Về thầy cô
Tôi đã gặp nhiều bạn học sinh, cứ nghe những lời giới thiệu từ mọi phía, rồi đi học thêm thầy này, cô này vì “thầy này đoán đề trúng lắm” hay “học sinh của cô này thi điểm cao lắm” nhưng nhiều khi bạn đã quên một điều rằng, giáo viên trên lớp của bạn cũng chính là một người có vai trò vô cùng. Họ là người cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản nhất, nền tảng nhất, họ cũng là người đã đi cùng bạn trong một thời gian dài, vì vậy hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của bạn và biết đâu là thứ bạn cần. Bạn cứ thử tưởng tượng, với một kiến thức nhất định, bạn được nghe giảng đi giảng lại nhiều lần bởi nhiều người khác nhau với những cách truyền đạt khác biệt, bạn có tiếp thu một cách tốt nhất không?
4. Về bản thân
Có niềm tin vào bản thân cũng là một chìa khoá quan trọng dành cho bạn. Nếu trong quá trình ôn tập, bạn đã có cách làm của bản thân mình và nó đúng, thì hãy tự tin đem những kiến thức và kĩ năng của mình vào bài thi. Đừng đi nghe ngóng rồi lung lay vì kết quả của người khác không giống với kết quả của mình. Bạn tin mình đã đúng, bạn tin mình đã rất chắc chắn về bài tập này mà đúng không. À, loại trừ những trường hợp bạn nhầm lẫn do áp lực thi cử, thì chỉ cần dành ra một chút thời gian để xem lại bài làm của mình là mọi chuyện đã có thể giải quyết rồi.
Việc học phải bắt nguồn từ chính sự chủ động của người học. Nếu bạn chỉ lắng nghe mà không ghi chép, không suy nghĩ tư duy trả lời và tương tác với giáo viên thì việc học kém hiệu quả. Đồng thời bạn chỉ chia sẻ bài giải, đáp án mà không thực hành và vận dụng bằng việc tự giải bài, luyện đề thì việc học trở nên vô ích.
5. Về bài thi
Đề thi những năm gần đây được nhận định là đòi hỏi thí sinh phải hiểu vấn đề, có kĩ năng tư duy hơn là học thuộc. Việc học nên là học kĩ năng hơn là nhồi nhét kiến thức vào đầu. Và khi có kĩ năng rồi thì cách hỏi hay dạng đề nào cũng không làm khó được bạn. Nhiều bạn không cần học bài nhiều mà vẫn đạt điểm cao nhờ kĩ năng làm bài, trình bày ngắn gọn đủ ý đúng yêu cầu vẫn được đánh giá cao hơn là bài làm dài dòng, lan man. Một lời khuyên dành cho bạn đó là, thi môn nào xong thì hãy tạm quên nó đi ngay lập tức, chuẩn bị cho bài thi tiếp theo. Bạn không thay đổi được điều gì nữa đâu sau khi đã nộp bài. Kiểm tra đáp án sẽ khiến bạn hoang mang và mất tinh thần rất nhiều, và thật khó để duy trì trạng thái tâm lí tốt nhất cho một điều quan trọng khác đang đến tiếp theo.
Bạn ơi, thế là những ngày thi cũng sắp đến rồi đấy, bạn đã vất vả trồng cây và chăm sóc trong suốt những tháng ngày vừa qua, bạn sắp được hái quả rồi. Bạn hãy giữ tinh thần thật bình tĩnh, một cái đầu tỉnh táo, một cơ thể khoẻ mạnh để chờ đợi những điều dẫu khó khăn nhưng chính là bước ngoặt mà bạn chắc chắn phải vượt qua và vượt qua một cách một cách xuất sắc để trưởng thành và chạm gần hơn với giấc mơ của mình nhé. ITPlus Academy sẽ luôn bên bạn dù cho chuyện gì xảy ra và chúc bạn thành công.
Ban Truyền thông ITPlus Academy