- Trang chủ
- Giới thiệu
- Du học
- Đào tạo ngắn hạn
- Đào tạo chuyên sâu
- Tin Tức
- Học viên
- Blog
- Tin THPT
- Liên hệ
Câu chuyện về Mỹ thuật Đa phương tiện 4 - Bạn sẽ làm gì trong lĩnh vực MTĐPT?
Có rất nhiều công việc và cơ hội cho bạn ở một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay cụ thể như:
Giám đốc sáng tạo (Creative Director):
Steve Jobs
Giám đốc sáng tạo không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất cụ thể. Họ tìm kiếm giám đốc nghệ thuật và các nghệ sĩ thiết kế cho từng dự án. Những người này sẽ phải đưa ra các giải pháp sáng tạo cụ thể trong phạm vi dự án mà họ được phân công. Giám đốc sáng tạo sẽ gặp gỡ các đội dự án định kỳ để xác định quá trình thiết kế có tiến triển tốt hay không, và liệu nhóm dự án có được hỗ trợ đầy đủ tài nguyên và trang thiết bị hay không. Bằng việc xác lập các quy trình thiết kế và cộng tác trong tổ chức, giám đốc sáng tạo phải đảm bảo kiểm soát được chất lượng của sản phẩm ở mọi giai đoạn.
Tóm lại, mặc dù không tham gia vào quá trình sản xuất cụ thể, nhưng giám đốc sáng tạo có thể đảm bảo chất lượng dự án và hiệu quả công việc thông qua lựa chọn nhân sự, huy động nguồn lực và tổ chức quy trình.
Nếu bạn có khả năng tổ chức, giao tiếp tốt, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu thì đừng bỏ lỡ cơ hội thử sức với vai trò này.
Giám đốc nghệ thuật (Art Director):
Đây là người chịu trách nhiệm về mọi sản phẩm mỹ thuật phục vụ cho dự án. Các sản phẩm này có thể có nhiều dạng khác nhau, được tạo ra bởi nhiều công cụ và kỹ thuật khác nhau. Chịu sự quản lý trực tiếp của giám đốc sáng tạo, giám đốc nghệ thuật tham gia trực tiếp vào mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Đôi khi phải trực tiếp làm sản phẩm, nên giám đốc nghệ thuật phải hiểu rõ các quy định, công cụ và kỹ thuật được sử dụng trong quá trình sản xuất.
Chức danh giám đốc nghệ thuật khá phổ biến trong các ngành xuất bản, giải trí, và thiết kế.
Để trở thành giám đốc nghệ thuật, bạn cần có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề của nghệ thuật, chẳng hạn thư typography (nghệ thuật dùng chữ), lý thuyết màu, thiết kế đồ họa v.v... Ngoài ra bạn cũng cần hiểu rõ các yếu tố công nghệ có ảnh hưởng tới các vấn đề trên. Đó là chưa kể đến những hiểu biết về quá trình sản xuất, về các nguồn lực có thể huy động và xây dựng được các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm.
Tóm lại, nếu bạn có năng khiếu và hiểu biết rộng về nghệ thuật, kinh nghiệm làm việc và khả năng quản lý, giao tiếp tốt, bạn nên thử sức mình với vai trò giám đốc nghệ thuật.
Nghệ sĩ thiết kế đồ họa (Graphics Designer)
(Góc làm việc của một nghệ sĩ thiết kế đồ họa)
Nghệ sĩ thiết kế đồ họa là người lập kế hoạch, phân tích và tìm kiếm các giải pháp thị giác nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của quá trình sản xuất. Họ sử dụng các thông tin dưới dạng bản in, điện tử, hay phim ảnh cùng các công nghệ xử lý để tạo ra các thiết kế làm mê hoặc khách hàng.
Khi thực hiện các thiết kế cụ thể, nghệ sĩ thiết kế đồ họa phải tính đến bối cảnh tự nhiên, văn hóa, xã hội, nhận thức,... Không ít nhà thiết kế Việt Nam hiện nay chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của các yếu tố này.
Hiện nay, hầu hết các nhà thiết kế đồ họa sử dụng các phần mềm máy tính để tiến hành công việc của mình.
Các nhà thiết kế đồ họa có thể làm việc theo giờ hành chính trong các công ty hay làm việc tự do. Họ chiếm khoảng 40% số lượng các nhà thiết kế hiện nay. Nhu cầu đối với vị trí này ngày càng tăng do thị trường thông tin qua web và giải trí đang mở rộng nhanh chóng.
Nếu bạn có kiến thức đồ họa về đồ họa căn bản, có kỹ năng sử dụng các phần mềm đồ họa, có khả năng hòa đồng và cộng tác, tại sao không thử sức với vị trí này?
Thiết kế trò chơi (Game Designer)
( Góc làm việc của một nhân viên thiết kế game)
Tương tự như nghệ sĩ thiết kế đồ họa, nhưng công việc của nghệ sĩ thiết kế trò chơi giới hạn trong phạm vi hẹp hơn và đặc thù hơn. Họ thiết kế các bối cảnh, mô hình, các tình huống, âm thanh, hình ảnh, v.v... cho trò chơi điện tử. Nghệ sĩ thiết kế trò chơi còn phải nắm được các đặc thù của thiết bị chơi (máy tính, playstation, mobile,...) cũng như hoàn cảnh sử dụng của chúng để thiết kế cho phù hợp. Bên cạnh đó, những hiểu biết công nghệ (chẳng hạn như game engine) cũng giúp ích rất nhiều cho nghệ sĩ thiết kế trò chơi.
Nếu bạn ham mê chơi game, có khả năng về thiết kế đồ họa, hiểu biết nhiều về lịch sử, thích đọc tiểu thuyết, và đặc biệt là hiểu rõ tâm lý người chơi, bạn hãy thử sức với vị trí này.
Thiết kế truyền thông tương tác (Interactive Multimedia Designer)
Đây là một công việc khá mới mẻ , đòi hỏi nghệ sĩ thiết kế phải am hiểu về nhiều vấn đề khác nhau của MTĐPT. Nhiệm vụ chính của công việc này là xây dựng kịch bản, lựa chọn âm thanh, hình ảnh, đồ họa, và tương tác để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh (như một đĩa CD giới thiệu về lịch sử Việt Nam).
Tương tự trò chơi nhưng đơn giản hơn, một sản phẩm truyền thông tương tác (Interactive Multimedia) không chỉ cung cấp thông tin một chiều cho người sử dụng mà còn cho phép họ tham gia vào quá trình này một cách chủ động. Có khá nhiều phần mềm hỗ trợ việc tạo ra sản phẩm truyền thông tương tác nhưng các phần mềm của Macromedia (DirectorMX hay FlashMX) được ưa chuộng hơn cả.
Nhu cầu về các sản phẩm truyền thông tương tác đang ngày càng tăng ở Việt Nam trong khi nhân lực được đào tạo bài bản cho ngành này hầu như chưa có.
Nếu bạn muốn thiết kế ra các sản phẩm truyền thông tương tác, như một chiếc đĩa CD phổ biến kiến thức để tặng bạn bè chẳng hạn, thì bạn nên bắt đầu với việc học cách xây dựng kịch bản, xử lý âm thanh, biên tập video, và một chút về lập trình tương tác.
Thiết kế Web (Web Designer)
Nhiệm vụ chính của một nghệ sĩ thiết kế website là xây dựng cấu trúc, layout, các quy chuẩn về hình ảnh, chữ viết,... cho từng trang web và cho toàn bộ website.
Như vậy, để trở thành một nghệ sĩ thiết kế website, trước hết bạn cần phải là một nhà thiết kế đồ họa (Graphics Designer), sau đó bạn cần có các hiểu biết khá kỹ về các công nghệ liên quan đến web như HTML (ngôn ngữ siêu văn bản trên web), CSS (Cascading Style Sheets),... Mặc dù bạn không cần biết sâu về lập trình nhưng không thể không biết bởi sau giai đoạn thiết kế sẽ là giai đoạn lập trình. Nghệ sĩ thiết kế cần phải đưa ra thiết kế khả thi và thuận tiện cho việc lập trình. Một số đặc thù của web như vấn đề tốc độ truyền, màu sắc, v.v... cũng cần được nghệ sĩ thiết kế quan tâm.
Cùng với sự phát triển của Internet và các ứng dụng trên nó, vai trò của thiết kế web ngày càng quan trọng, vị trí thiết kế web vì thế cũng trở nên không thể thiếu trong các công ty phần mềm. Hiện nay, với các website quan trọng, người ta thường giao việc thiết kế cho một công ty thiết kế chuyên nghiệp.
Lập trình đa phương tiện (Multimedia Programmer)
Không quá chuyên sâu như các lập trình viên chuyên nghiệp ở các công ty tin học, các lập trình viên đa phương tiện chủ yếu làm việc với các ngôn ngữ lập trình script (đã được giản lược cho gần với ngôn ngữ tự nhiên). Ngoài kỹ năng lập trình, các hiểu biết về kịch bản, thiết kế đồ họa, xử lý âm thanh, v.v... cũng rất cần thiết với họ.
Nếu bạn có kinh nghiệm về thiết kế và có khả năng lập trình, chắc hẳn bạn không nên bỏ qua vị trí này?
Nghệ sĩ hoạt hình 2D & 3D (Animator)
Các nghệ sĩ hoạt hình 2D và 3D tạo ra các hình ảnh chuyển động bằng những hình ảnh tĩnh nối nhau liên tục. Về nguyên tắc, hai hình thức làm phim này là tương tự nhau, tuy nhiên các công cụ sử dụng và các kỹ năng sáng tạo lại khác nhau rất nhiều. Chẳng hạn như các nghệ sĩ hoạt hình 2D không cần lo lắng đến vấn đề ánh sáng, phối cảnh nhiều như trong hoạt hình 3D.
Dù là 2D hay 3D, một nghệ sĩ hoạt hình giỏi cần phải có khả năng vẽ phác thảo tốt. Họ có thể vẽ tay hoặc vẽ trên máy tính với sự trợ giúp của bảng và bút điện tử.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt hình 3D, vốn không thể thực hiện được theo phương thức truyền thống, đang dần lấn át hoạt hình 2D. Hầu hết các bộ phim hoạt hình gần đây đều sử dụng công nghệ 3D. Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang rất nóng. Thu thập của các nghệ sĩ hoạt hình 3D giỏi cũng tăng rất nhanh.
Để trở thành nghệ sĩ hoạt hình 3D, ngoài những tố chất đã nói ở trên, bạn cần phải sử dụng thành thạo các phần mềm 3D mạnh nhất hiện nay như 3DsMAX, Maya, Lightwave 3D,...
Biên tập âm thanh (Sound Editor)
Công việc biên tập âm thanh bao gồm ghi âm, chỉnh sửa âm thanh, trộn âm, v.v... Trong đó phần việc chủ yếu và quan trọng nhất là chỉnh sửa các file âm thanh và chuyển đổi chúng sang định dạng mong muốn. Với các phần mềm và thiết bị hiện đại, nghệ sĩ biên tập âm thanh có thể thực hiện được rất nhiều hiệu ứng hay kỹ xảo trên bản thu âm gốc. Điều này đặc biệt hiệu quả khi ứng dụng trong điện ảnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được công việc này. Trước hết bạn cần có “tai nhạc” và được đào tạo nhạc lý. Tiếp đó, bạn cần làm chủ được một số phần mềm và thiết bị xử lý âm thanh thông dụng.
Nếu bạn có năng khiếu âm nhạc, tại sao không thử học thêm các phần mềm xử lý âm thanh và tìm ra cơ hội của mình trong nghề nghiệp đang có “cầu” lớn hơn “cung” này.
Biên tập hình ảnh (Video Editor)
Tương tự như biên tập âm thanh, công việc biên tập hình ảnh được tiến hành trên các file định dạng hình ảnh. Quá trình làm phim bao gồm việc quay nhiều cảnh riêng rẽ. Các đoạn phim này, sau khi được chuyển vào máy tính theo một số định dạng nhất định, sẽ được cắt xén, ghép với nhau, thay đổi tốc độ, đồng bộ với âm thanh, v.v… để tạo thành bộ phim hoàn chỉnh. Phần việc này còn gọi là hậu kỳ (post production) và được các biên tập viên thực hiện.
Quá trình biên tập hình ảnh được thực hiện với sự giúp đỡ của các phần mềm chuyên dụng như Adobe Primier hay Final Cut Pro. Với các phần mềm này, bạn cũng có thể dễ dàng tạo ra một đoạn video clip cho riêng mình hoặc tặng bạn bè.
Tố chất quan trọng của những người làm nghề này là thẩm mỹ thị giác tốt và khả năng làm chủ ngôn ngữ hình ảnh. Nếu bạn có tố chất như vậy cộng thêm việc sử dụng thành thạo các công cụ phần mềm biên tập hình ảnh, bạn hoàn toàn có thể thành công với nghề này.
Người làm kỹ xảo hình ảnh (Visual Effect Creator)
Khi chưa có sự trợ giúp của máy tính, hầu hết các kỹ xảo hình ảnh đều phải thực hiện ngay khi quay phim và rất phức tạp. Tuy nhiên, với sự ra đời của các thế hệ máy tính ngày càng mạnh cùng với các phần mềm làm kỹ xảo hiệu quả, phần lớn công việc khó khăn này được thực hiện riêng rẽ với công đoạn quay phim.
Ngày nay, kỹ xảo hình ảnh xuất hiện trong hầu hết các phim ăn khách trên thị trường. Có những phim, kỹ xảo chiếm đến hơn 50% thời lượng phim. Các cảnh phim kỹ xảo cũng ngày càng chân thực khiến người xem đôi khi không phân biệt nổi. Nếu trước kia chỉ các phim có ngân sách lớn mới dám dùng nhiều kỹ xảo thì hiện nay ngay cả các nhà làm phim nghiệp dư cũng có thể thực hiện được các bộ phim sử dụng nhiều kỹ xảo nhờ vào hệ thống máy tính và các phần mềm ngày càng rẻ và mạnh hơn.
Muốn bước vào nghề này, bạn cần có khả năng kỹ thuật tốt kết hợp với các kiến thức về biên tập video, hoạt hình 3D và cả... ngân sách để mua các phần mềm làm kỹ xảo chuyên dụng.
Người chế bản điện tử (Desktop Publishing)
Sự ra đời của các phần mềm chế bản điện tử thực sự là một cuộc cách mạng giải phóng con người khỏi những công việc nhàm chán như nhặt từng con chữ sắp vào bản in. Hơn thế, việc sử dụng các phông chữ khác nhau, kết hợp với hình ảnh cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
Với vai trò của một người làm chế bản, công việc hàng ngày của bạn là kết hợp chữ viết, hình ảnh thành một tài liệu sẵn sàng để in ấn. Công việc không khó nhưng đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, có các kiến thức tốt về sử dụng phông chữ, và phải có khả năng bố cục, con mắt thẩm mỹ. Bên cạnh đó, bạn cần phải làm chủ các phần mềm chế bản phổ biến hiện nay như Adobe InDesign hay QuarkXpress.
BẠN CÓ BIẾT
PIXAR LÀM HOẠT HÌNH CARS NHƯ THẾ NÀO?
Janlost,
Thông tin các khóa học tại ITPlus Academy
Khóa học Thiết kế đồ họa chuyên nghiệp